James Martin là nhiếp ảnh gia và biên tập viên của chuyên trang công nghệ nổi tiếng CNET. Mới đây, anh đã có bài viết chia sẻ những trải nghiệm chân thực với camera của iPhone 12 Pro - đặc biệt là khả năng chụp phong cảnh - sau khi mang nó đi theo 1 chuyến đi đến hồ Tahoe (Mỹ).
Theo anh, ấn tượng đầu tiên về iPhone 12 Pro là khả năng lấy nét xuất sắc kể cả trong tối nhờ cảm biến LiDAR - công nghệ cảm biến hình ảnh lần đầu Apple giới thiệu trên dòng điện thoại của mình. LiDAR giúp lấy nét nhanh và chính xác đến mức James "không còn phải lo nghĩ đến việc ảnh chụp ra có đẹp không". Công nghệ LiDAR này, kết hợp với Night Mode và camera góc siêu rộng, giúp đưa iPhone 12 Pro 1 bước tiệm cận đến khả năng chụp ảnh của DSLR chuyên dụng.
Bình minh trên hồ Tahoe, chụp với camera tele
Nhưng LiDAR không phải khác biệt duy nhất. James cho biết những cải thiện về khả năng chụp tối Apple mang đến cho iPhone 12 Pro thực sự có giá trị. Nhờ khẩu độ lớn hơn, ống kính 7 đơn vị... hình ảnh cho ra được mượt mà, sắc nét và ít nhiễu hơn ở ngay cả những vùng tối, giữ lại được những chi tiết nhỏ nhất. Như ở bức ảnh dưới đây, vùng tối bên dưới hòn đá vẫn được thể hiện khá tốt trong khi bầu trời không hề bị cháy sáng.
Đó là chưa kể đến những cải thiện về phần mềm đã khiến iPhone 12 Pro gần như "thổi bay" người tiền nhiệm iPhone 11 Pro về khoản chụp thiếu sáng. Theo James, những bức ảnh được chụp vào thời điểm 20 đến 40 phút ngay trước bình minh hoặc sau hoàng hôn (Blue hour) với Night Mode cho ra chất lượng gần như "hết xảy". Tuy nhiên, khi nắng đã tắt được khoảng 1 tiếng trở đi và trời tối hẳn, chất lượng ảnh sẽ tệ đi đáng kể.
Ảnh chụp phơi sáng 30 giây sau hoàng hôn được 1 tiếng với Night Mode trên iPhone 12 Pro
Khả năng chụp tối của Night Mode trên iPhone 12 Pro (trái) cho kết quả vượt trội so với iPhone 11 Pro (phải)
Ảnh được chụp ngay trước bình minh với camera siêu rộng, thể hiện tốt chi tiết ở mọi vùng
Ngoài ra, những nâng cấp mới như HDR3 và Deep Fusion cũng chứng minh được sự hữu dụng của chúng. Được trang bị trên cả 3 camera sau và camera selfie, công nghệ học máy Deep Fusion giúp "chi phối đến từng pixel của bức ảnh". Kể cả khả năng hiển thị những chi tiết siêu mịn hay khử nhiễu cũng được cải thiện đáng kể.
Đặc biệt, với tính năng "chia tách bầu trời", chất lượng chi tiết bầu trời đạt được là rất tốt kể cả khi chụp chính diện mặt trời vì nền trời được xử lý riêng so với phần còn lại của bức ảnh, cho ra ảnh chụp chân thật. Bức ảnh không hề bị cháy, với độ tương phản và màu sắc đều tuyệt vời.
Nói riêng về chất lượng camera siêu rộng - 1 công cụ không thể thiếu với ảnh chụp phong cảnh - James chia sẻ rằng hiện tượng méo ảnh và mất nét ở rìa ảnh trên iPhone 11 Pro đã được cải thiện đáng kể với iPhone 12 Pro. Bức ảnh thực sự sắc nét từ tâm ra đến các cạnh. Sự cải thiện này đến từ phần mềm vì phần cứng camera siêu rộng của iPhone 12 Pro vẫn thừa hưởng từ người tiền nhiệm.
So sánh khả năng chụp của camera siêu rộng trên iPhone 12 Pro (trái) và iPhone 11 Pro (phải)
Một số hình ảnh khác chụp với camera góc siêu rộng:
Cuối cùng là khả năng quay video. James chia sẻ 2 video timelapse anh tự quay bằng iPhone 12 Pro ở thời điểm bình minh và sau hoàng hôn. Cả 2 video đều cho ra chi tiết rất tốt, hiển thị được cả những viên đá hay mặt nước trong góc tối ở tiền cảnh trong khi xử lý màu trời rất no mắt.
Cảnh quay video timelapse trên iPhone 12 Pro, bình minh tại hồ Tahoe, Mỹ
Video quay sau hoàng hôn ở hồ Tahoe. Chi tiết của mặt nước được hiển thị khá rõ ràng
Tổng kết lại, James Martin cho rằng những nâng cấp về khả năng chụp ảnh trên iPhone 12 Pro đã giúp nó trở thành 1 trong những chiếc điện thoại chụp hình tốt nhất. Thay vì tập trung vào những thông số như số megapixel hay cải thiện quá nhiều về cảm biến, siêu phẩm của Apple là sự tổng hòa của năng lực phần mềm xuất sắc, chiêu đãi người dùng với "bữa tiệc nhiếp ảnh đầy cảm xúc".
Một số hình ảnh khác được James chia sẻ: