Từ đầu năm 2019 đến nay, có 3 mạng xã hội do người Việt phát triển và làm chủ đã lần lượt ra mắt. Việc xây dựng các mạng xã hội Việt Nam nội để phá thế “độc quyền” của các mạng xã hội nước ngoài, tiến tới đưa người dùng mạng xã hội trong nước tương đương với người Việt Nam dùng mạng xã hội nước ngoài là một chủ trương đúng, được nhiều người ủng hộ.
Tuy vậy, làm thế nào để các mạng xã hội nội địa có thể phát triển lớn mạnh, cạnh tranh được với các “ông lớn” nước ngoài cũng đang đặt ra nhiều thách thức.
Chỉ trong vòng 4 tháng, 3 mạng xã hội của các doanh nghiệp Việt Nam liên tiếp ra mắt. Tháng 6-2019, Hahalolo trình làng, tháng 7-2019, Gapo ra mắt và vào giữa tháng 9-2019, Lotus chính thức đi vào hoạt động. Điểm chung của 3 mạng xã hội này đều do các doanh nghiệp Việt Nam phát triển và làm chủ.
Tuy mỗi mạng xã hội đều chọn một cách tiếp cận người dùng riêng song mục tiêu mà các mạng xã hội đều hướng đến cân bằng tỷ lệ người dùng mạng xã hội trong nước với mạng xã hội nước ngoài. Trong đó, mục tiêu trước mắt đến năm 2020 là sẽ chiếm khoảng 60-70% thị phần… Đây được coi là sự quyết tâm của cộng đồng công nghệ hưởng ứng định hướng phát triển mạng xã hội của người Việt, cho người Việt.
Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã có gần 460 mạng xã hội đã được cấp phép. Tuy nhiên, ngoại trừ Zalo, một ứng dụng OTT hoạt động tương tự mạng xã hội, có số lượng người dùng tương đối ổn định hàng tháng vào khoảng 46,7 triệu thì các mạng xã hội còn lại, số lượng người dùng hiện vẫn còn rất khiêm tốn.
Trong khi đó, theo số liệu Facebook công bố, số lượng người Việt Nam sử dụng mạng xã hội này ước tính đạt 60-65 triệu người.
Theo công ty chuyên về nghiên cứu thị trường ANTS, Google và Facebook đang chiếm gần 70% thị phần quảng cáo số tại thị trường Việt Nam, 30% còn lại thuộc về các doanh nghiệp nội dung số và báo điện tử trong nước. Mặc dù miếng bánh quảng cáo số tại Việt Nam rất hấp dẫn nhưng hiện nay lại đang “nằm” chủ yếu ở các nhà cung cấp nền tảng nước ngoài.
Đáng nói hơn, dù chiếm doanh thu rất lớn từ thị trường quảng cáo Việt Nam nhưng cả Google và Facebook lại liên tục vi phạm pháp luật Việt Nam trong một số lĩnh vực.
Theo Cục Phát thanh - Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông, qua rà soát đơn vị này đã phát hiện Facebook vi phạm pháp luật Việt Nam ở 3 lĩnh vực lớn là quản lý nội dung thông tin, quảng cáo trên mạng bất hợp pháp và trách nhiệm thuế với Việt Nam. Tuy vậy, quá trình đấu tranh đòi hỏi nền tảng xuyên biên giới này tuân thủ pháp luật Việt Nam cũng đang gặp nhiều khó khăn, phức tạp.
Thực trạng đó đã khiến câu chuyện về phát triển hệ sinh thái số của Việt Nam, do người Việt chủ động, mà nòng cốt là xây dựng mạng xã hội và công cụ tìm kiếm của người Việt càng được đặt ra bức thiết hơn bao giờ hết.
Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ công tác năm 2019 của Bộ TT&TT, người đứng đầu ngành TT&TT, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã đặc biệt lưu ý đến vấn đề này.
Thông điệp mà Bộ trưởng Bộ TT&TT nhấn mạnh là định hướng các mạng xã hội trong nước nên phát triển theo hướng khác biệt với Facebook, với mô hình mạng xã hội tạo ra giá trị, luật chơi mới và người dùng - những người tạo ra giá trị được tham gia, được quyết định luật chơi.
Đồng thời, Bộ TT&TT cũng mong muốn các doanh nghiệp trong nước làm chủ và phát triển mạng xã hội của người Việt ra nước ngoài, góp phần đem lại giá trị cho nhân loại...
Ủng hộ chủ trương xây dựng mạng xã hội nội do người Việt Nam làm chủ, Thiếu tướng, GS.TS Nguyễn Minh Đức, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng-An ninh của Quốc hội cho rằng: Người Việt Nam thông minh, sáng tạo có đủ khả năng để xây dựng mạng xã hội thuần Việt thay thế các mạng xã hội ngoại hiện nay.
Cũng theo Thiếu tướng Nguyễn Minh Đức, thực tế, trong gần chục năm về trước, làn sóng mạng xã hội nở rộ ở Việt Nam, như Banbe.net; Zing Me hay Go.vn; Tamtay; Yume.vn. Các mạng xã hội này ra đời với tham vọng thay thế “người khổng lồ” Facebook tại Việt Nam, nhưng sau đó thất bại.
Hiện tại mạng xã hội Zalo đã có trên 100 triệu người dùng. Zalo không chỉ đáp ứng nhu cầu liên lạc mà còn là nền tảng được các cơ quan nhà nước sử dụng để xây dựng chính quyền 4.0. Đến nay có hơn 20 tỉnh, thành trên cả nước chọn Zalo làm công cụ để giải quyết các thủ tục hành chính và tương tác với người dân.
Thiếu tướng Nguyễn Minh Đức cũng cho rằng, muốn phát triển một cách lớn mạnh hơn nữa, Zalo nói riêng, các mạng xã hội nội địa khác nói chung phải thay đổi, hướng dịch vụ vào các đơn vị hành chính công, chứ không chỉ đơn thuần là mạng xã hội Việt Nam.
“Xây dựng một mạng xã hội Việt Nam hiệu quả, có tính tương tác cao, rộng mở, lan tỏa sánh ngang các mạng xã hội quốc tế như Facebook không phải đơn giản; nhưng điều đó không có nghĩa chúng ta dập tắt ước mơ, kỳ vọng. Quyết tâm của các cơ quan chức năng là nghiên cứu, phát triển các mạng xã hội nội địa để cạnh tranh và kiềm chế hoạt động gần như độc quyền của các mạng của nước ngoài; có các giải pháp lâu dài và bền vững cho cộng đồng sử dụng mạng xã hội tại Việt Nam”- Thiếu tướng Nguyễn Minh Đức nhấn mạnh.