Theo tờ Space, nghiên cứu dẫn đầu bởi nhà khoa học hành tinh và khoa học địa chất Tyler Meng từ Đại học Arizona đã tìm ra một cách để nhìn vào các sông băng trên Sao Hỏa - cấu trúc mà các cơ quan vũ trụ kỳ vọng chứa "kho báu" được trông đợi nhất: Nước.
Với một hành tinh khác, nước không chỉ là thứ đem lại hy vọng về sự sống, mà còn là nguồn sống và nguồn năng lượng cho các sứ mệnh tương lai, nhất là những nơi như Sao Hỏa, vốn được NASA, ESA (Cơ quan Vũ trụ châu Âu) kỳ vọng xây dựng căn cứ dài lâu.
Tuy nhiên con người không có nhiều thời gian và điều kiện khi thám hiểm vũ trụ, do đó một sự định hướng chuẩn xác cho nhiệm vụ là rất cần thiết. Việc nghiên cứu sông băng trực tiếp bằng các robot và tàu quỹ đạo đang thám hiểm hành tinh đỏ là rất khó khăn. Nhưng tiến sĩ Meng tìm ra một phương án khác.
Theo nghiên cứu mới, các dữ liệu mà NASA, ESA thu thập cho thấy sông băng Sao Hỏa là dạng sông băng đá, chứa nhiều đá, cát, nhỏ hơn nhiều so với các sông băng trên Trái Đất nhưng đều di chuyển chậm theo thời gian và mang nhiều tính chất đồng nhất khác.
Vì vậy, việc nhìn vào các sông băng Trái Đất có thể như nhìn vào một tấm gương soi rọi chính hình ảnh của sông băng Sao Hỏa. Nhóm nghiên cứu đã tìm đến 4 sông băng giàu đá ở các bang Colorado, Wyoming và Alaska của Mỹ, lập bản đồ 3 chiều bằng thiết bị radar.
"Trong quá trình này, chúng tôi đã đưa ra những ước tính chính xác nhất về hình học và thành phần sông băng cho đến nay" - tiến sĩ Meng cho biết. Dữ liệu này vừa có thể sử dụng để nghiên cứu trữ lượng nước ở vùng núi đó, điều mà những "người anh em" Sao Hỏa của chúng có thể chứa đựng.
Bằng cách lập bản đồ các mô hình sông băng Trái Đất, các nhà khoa học có thể mô phỏng tương đối các sông băng Sao Hỏa, thứ sẽ giúp các sứ mệnh tương lai được định hướng cụ thể hơn.
Tiếp cận các sông băng để tìm nguồn nước và manh mối sự sống cũng được cho là phương án dễ dàng hơn đối với các cơ quan vũ trụ, so với việc tiếp cận khối băng ở các vùng cực lạnh giá. Đó cũng sẽ là khu vực dễ xây dựng căn cứ hơn.