Mất tài khoản Facebook vì ham của lạ
Theo đó, khi nhấp vào liên kết rút gọn trong bài viết, bạn sẽ được chuyển đến một trang đăng nhập Facebook giả mạo với giao diện y hệt trang “chính chủ”. Tuy nhiên, nếu để ý kỹ bạn sẽ thấy phần địa chỉ trang sẽ không phải là Facebook.com.
Nếu nhẹ dạ và đăng nhập, ngay lập tức tài khoản của bạn sẽ bị kẻ gian chiếm đoạt và sử dụng cho nhiều mục đích xấu như đi nhắn tin lừa tiền người khác, ăn cắp thông tin cá nhân hoặc bị bán lại cho các bên thứ ba.
Bên cạnh đó, người dùng còn bị chuyển đến các trang cảnh báo giả mạo với nội dung đại loại như điện thoại của bạn đã bị hư, cần cài phần mềm abc, xyz… để sửa chữa.
Theo ghi nhận, việc mua bán tài khoản Facebook trên Internet diễn ra rất nhộn nhịp, một tài khoản Facebook mới lập sẽ có giá khoảng 1.500 đồng, ngược lại, những tài khoản nào có nhiều bạn bè sẽ có giá cao hơn, từ 3.000 đồng trở lên.
Nhìn chung, kiểu lừa đảo dạng này không phải là mới, nhưng chỉ có cách tiếp cận và gợi mở là khác nhau.
Thực tế, trên Facebook còn rất nhiều hình thức lừa đảo khác như đăng tải các bài viết giật gân, gây sốc để dụ người dùng nhấp vào hoặc bán sản phẩm với mức giá “rẻ như cho” với điều kiện bạn chỉ cần like Fanpage, share (chia sẻ) bài viết và để lại thông tin cá nhân.
Làm thế nào để hạn chế bị mất tài khoản Facebook?
Cách đơn giản nhất để hạn chế bị mất tài khoản Facebook là sử dụng mật khẩu mạnh, không đăng nhập tài khoản trên những trang web lạ (hãy để ý kĩ phần địa chỉ trang), đồng thời kích hoạt tính năng xác thực hai yếu tố.
Để thực hiện, đầu tiên bạn hãy truy cập vào phần Settings & Privacy (cài đặt và quyền riêng tư) - Settings (cài đặt) - Security & Login (bảo mật và đăng nhập) hoặc nhấp trực tiếp vào liên kết https://www.facebook.com/settings?tab=security.
Tiếp theo, người dùng chỉ cần tìm đến mục Use two-factor authentication (sử dụng xác thực 2 yếu tố), nhập mật khẩu Facebook khi được yêu cầu.
Kích hoạt tính năng xác thực 2 yếu tố trên Facebook. Ảnh: MINH HOÀNG
Tại đây, bạn có thể thêm vào số điện thoại đang sử dụng hoặc sử dụng các ứng dụng xác thực như Google Authenticator, Authy... để nhận mã xác thực.
Nói một cách đơn giản, khi tính năng xác thực hai yếu tố được kích hoạt, ngoài việc nhập mật khẩu Facebook, người dùng còn phải nhập thêm mã xác thực (được gửi đến điện thoại hoặc trong các ứng dụng xác thực). Điều này đồng nghĩa với việc nếu kẻ gian có được thông tin đăng nhập Facebook của bạn, họ cũng không thể truy cập vào tài khoản do thiếu mã xác thực.
Nếu sử dụng Facebook trên điện thoại, bạn chỉ cần thực hiện các thao tác tương tự. Ảnh: MINH HOÀNG
Không riêng gì Facebook mà các ứng dụng khác (Google, Outlook, Apple...) cũng hỗ trợ tính năng xác thực hai yếu tố. Để hạn chế tình trạng bị mất tài khoản, người dùng nên tìm hiểu cách kích hoạt tính năng xác thực hai yếu tố trên những ứng dụng này.
Hy vọng với những mẹo nhỏ mà Kỷ Nguyên Số đã giới thiệu bên trên, bạn đọc có thể tự bảo vệ dữ liệu và thiết bị khỏi sự tấn công của tội phạm mạng.