Những ngày cuối tuần vừa qua thực sự là một ngày trọng đại của rất nhiều nghệ sỹ trong showbiz Việt nói chung vì siêu đám cưới của Đông Nhi-Ông Cao Thắng được tổ chức. Mọi thứ đều được chuẩn bị và đầu tư kỹ lưỡng tới tận răng, từ địa điểm tuyệt phẩm cho tới thời khắc giờ vàng, hay trên hết là những phút giây vui vẻ ngập tràn của tân lang tân nương cùng toàn thể khách mời tham dự khi cùng nhau mở party quẩy sung hết nấc.
Sau màn chúc phúc là một party cực sung diễn ra ngay tại khuôn viên bể bơi.
Dù mọi thứ đều diễn ra hoàn hảo với cặp đôi Ông Cao Thắng-Đông Nhi nhưng ở một diễn biến khác bên nửa kia Trái Đất, có vẻ như thần may mắn đã không độ kịp cho họ: Một nhiếp ảnh gia chụp cưới đã ái ngại khôn cùng khi chứng kiến chiếc máy ảnh xịn bị hỏng ngay sau đêm quẩy của hôn lễ, mặc dù chẳng ai làm gì động đến nó...
Câu chuyện của Brittany Bay - một nhiếp ảnh gia sở hữu thương hiệu Bay Productions tại Texas (Mỹ) - đã khiến khá nhiều người phải giật mình chú ý với tai nạn nghề nghiệp của mình. Sau một đêm tác nghiệp cho cặp khách hàng mới cưới, cô trở về nhà copy ảnh vừa chụp vào máy tính để bắt đầu xử lý chỉnh ảnh. Tuy nhiên, trên ảnh bỗng xuất hiện 2 sọc đen không rõ từ đâu ra, kéo dài cắt nhau vuông cạnh ở một phần góc phải.
Bức ảnh mẫu với những lỗi sọc chết hình được Brittany đăng lên chia sẻ.
Ban đầu, Brittany nghĩ rằng đó là lỗi màn hình hiển thị, nhưng hóa ra tất cả mọi bức ảnh đều chịu chung nỗi khổ y hệt nhau cùng chỗ. Sau cùng, cô phát hiện căn nguyên của việc này đến từ chính ánh đèn laser trang trí trong hội trường, chúng được tự động bật lên khi khách mời tham gia "quẩy" và đã khiến mọi bức ảnh bị mắc lỗi hình lớn.
Các chùm đèn tia laser lắp đặt tại sân khấu hoặc hội trường sự kiện lớn từ trước tới nay vẫn luôn là kẻ thù đáng ngại của các nhiếp ảnh gia, kể cả khi có đang cầm chiếc máy ảnh xịn và cao cấp tới mức nào. Ảnh được chụp do cảm biến lắp sau ống kính ghi nhận ánh sáng khi màn trập mở ra. Trong khi đó, cường độ ánh sáng của tia laser lại có tính chất hội tụ rất mạnh, đủ sức đốt cháy vi mạch cảm biến bên trong máy ảnh khi chiếu vào. Hiện tượng này thực sự không mấy xa lạ với dân trong nghề nhưng đôi khi vẫn không thể tính trước khi mọi thứ xảy ra quá nhanh, quá nguy hiểm.
Vậy xử lý thế nào khi chuyện đã lỡ rồi, và đám cưới cũng không thể tái hiện lại để chụp thêm bộ ảnh dự phòng nữa? Tất cả đành nhờ vào một đống thời gian tỉ mẩn Photoshop, cộng thêm chi phí thay sửa máy ảnh có thể lên tới cả nghìn USD là chuyện bình thường. Trong bài post của mình, Brittany cũng chia sẻ cô cũng rất ngại chụp đám cưới có trang bị dàn hiệu ứng ánh sáng, nhưng đôi khi có những dịp ngoại lệ phải nhận lời thì không kịp trở tay.
Trở lại với đám cưới của Đông Nhi vừa qua, có vẻ như không một chùm đèn laser cỡ mạnh nào được dùng để lắp đặt cho sân khấu cũng như gia tăng hiệu ứng ánh sáng sinh động. Đây cũng là bài học đắt giá cần ghi nhớ cho những nhiếp ảnh gia gắn liền với thể loại chụp ảnh cưới hoặc sự kiện âm nhạc lớn, bởi chỉ cần tia laser “chết chóc” quét qua máy ảnh đang chụp tích tắc thôi cũng đủ khiến hàng chục triệu đồng bốc hơi từ lúc nào không biết.