Năm hết Tết đến là dịp để nhiều người tìm mua cho mình những món đồ yêu thích, trong đó phải kể đến smartphone. Với nhiều người, iPhone đã trở thành lựa chọn số 1 nhưng giá bán lại khá cao so với mặt bằng chung. Do đó, không ít người đã quyết định mua một chiếc iPhone cũ thay vì máy mới.
Dưới đây là những kinh nghiệm chia sẻ từ ông Huỳnh Phú Hải - Tổng Giám đốc 24hStore dành cho những khách hàng đang tìm mua một chiếc iPhone cũ để tránh "tiền mất, tật mang":
Kiểm tra ngoại hình: Mặt trước, mặt sau, khung viền
Ngoại hình của máy không đơn giản chỉ là yếu tố thẩm mỹ, mà nó còn giúp bạn phần nào xác định được chất lượng bên trong thiết bị. Nếu máy có quá nhiều vết móp, có thể trước đó đã bị rơi hoặc va chạm, đồng nghĩa với việc các linh kiện bên trong ít nhiều bị tổn hại.
Cũng có một vài mẹo nhỏ để kiểm tra xem màn hình máy đã bị thay hay chưa. Nhỏ vài giọt nước lên màn hình, ở màn hình chính hãng, giọt nước sẽ tụ lại một điểm chứ không loang ra như trên màn hình lô.
Hoặc dán thử một lớp băng dính lên màn hình, nếu có thể bóc ra dễ dàng thì đó là màn hình zin, còn đối với hàng kém chất lượng, băng dính sẽ rất khó có thể bóc ra, thậm chí còn dính lại một ít keo từ băng dính.
Những chiếc iPhone bị móp vỏ không chỉ thiếu thẩm mỹ mà còn ẩn chứa nhiều hệ lụy nguy hiểm.
Ngoài ra, khi đặt mắt nằm ngang với màn hình để quan sát, màn hình zin không quá nhô cao so với viền, ấn vào không có cảm giác lún như màn hình đã bị tráo. Màu trên màn hình lô cũng có xu hướng hơi ngả vàng, không phải màu trắng sứ đục như hàng thật.
Kiểm tra độ phản hồi các phím vật lý
Tránh mua các máy có nút cứng (nút Home, nút âm lượng, nút nguồn,…) khó ấn, bị kênh, lệch sang 1 bên hoặc có độ nảy không cao. Đây nhiều khả năng là “triệu chứng” tiền liệt phím, gây khó khăn cho trải nghiệm sau này của bạn.
Kiểm tra vùng cảm ứng màn hình
Giữ ngón tay tại một biểu tượng (icon) bất kỳ trên màn hình để đưa chúng vào trạng thái di chuyển (các biểu tượng rung lên và có 1 dấu X nhỏ bên trên). Nhấn giữ và di chuyển biểu tượng đó trên toàn bộ bề mặt màn hình: Từ trái qua phải, từ trên xuống dưới. Nếu trong quá trình di chuyển, biểu tượng bị tuột ra là màn hình tại đó đã bị dính lỗi chết điểm.
Bạn cũng có thể bật màn hình đen hoặc trắng toàn bộ, nhìn từ trên xuống dưới xem có điểm ảnh nào bị cháy (biến dạng về màu sắc) hay không.
Kiểm tra thiết bị có bị khóa iCloud hay không?
Không mua iPhone bị khóa iCloud.
Nếu chiếc iPhone là hàng bị đánh cắp hoặc có bật tính năng Find My Phone, khi bạn muốn thực hiện các thao tác như khôi phục cài đặt gốc, tắt Find My Phone thì ngay lập tức sẽ bị yêu cầu nhập mật khẩu iCloud đang lưu trên máy. Những chiếc iPhone như thế này được gọi là bị dính iCloud (hoặc khóa iCloud), bạn tuyệt đối không mua.
Bạn có thể truy cập vào website chính thức của Apple, nhập số IMEI hoặc số seri, nhấn kiểm tra. Nếu cho ra kết quả là: "Khóa kích hoạt: Tắt" hoặc "Activation Lock: Off" thì bạn có thể yên tâm mua thiết bị này.
Kiểm tra những chi tiết khác: Cảm biến, kết nối, loa thoại, camera, phụ kiện đi kèm
- Thử gọi đi hoặc nhận cuộc gọi để kiểm tra chất lượng loa thoại.
- Bật nhạc hoặc video có tiếng để kiểm tra chất lượng loa ngoài.
- Truy cập ứng dụng chụp ảnh, kiểm tra chất lượng camera trước, camera sau, khả năng tự bắt nét.
- Cắm thử phụ kiện của máy, bao gồm cáp sạc, củ sạc, tai nghe,… xem có nhận và hoạt động bình thường hay không.
- Kiểm tra khả năng kết nối của thiết bị, cụ thể bao gồm: Sóng di động, sóng Wi-Fi, 3G/4G xem có ổn định hay không.
- Kích hoạt chế độ xoay ngang màn hình, thử xoay chiếc iPhone ở các góc độ khác nhau xem màn hình có tự xoay không.
- Kiểm tra cảm biến vân tay có nhạy không, tốc độ phản hồi có nhanh không.
Tuy có rất nhiều các mẹo kiểm tra iPhone cũ trước khi đưa ra quyết định mua, bạn vẫn cần phải là một người có óc quan sát rất tỉ mỉ và tiếp xúc nhiều với đồ công nghệ. Nếu không, điều cuối cùng trong những lưu ý khi đi mua iPhone cũ, là bạn nên chọn mua sản phẩm ở những cơ sở uy tín, đáng tin, có chính sách bảo hành, chính sách đổi trả rõ ràng.