Theo Lumen, một trang web chuyên theo dõi các khiếu nại về bản quyền, Microsoft Nhật Bản đã gửi thông báo gỡ xuống dựa trên quy định DMCA (luật bảo vệ bản quyền tác giả) cho Google. Đơn khiếu nại yêu cầu Google kéo kết quả tìm kiếm cho Beebom.com - một trang web tin tức lưu trữ liên kết tải xuống bản rò rỉ Windows 11.
Nội dung thông báo gỡ xuống từ Microsoft nói “Bài viết của Beebom.com đang phân phối Windows 11 ISO (bản quyền của Microsoft). Vui lòng xóa bài viết của họ khỏi tìm kiếm. Đó là một bản sao bị rò rỉ của Windows 11 chưa được phát hành”.
Công ty cũng đã gửi thông báo gỡ xuống DCMA cho tài khoản Google Drive lưu trữ Windows 11 ISO rò rỉ, bên cạnh một yêu cầu khác dành cho Google nhằm thực hiện hành động liên quan đến 5 trang web khác cung cấp thông tin hoặc thậm chí hướng dẫn tải xuống tập tin Windows 11.
“Họ (các trang web) đang cung cấp sản phẩm trả phí của chúng tôi miễn phí cho người dùng, điều này ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của chúng tôi”, thông báo nói thêm.
Đồng thời, nhiều liên kết chia sẻ tập tin gốc dành cho bản rò rỉ Windows 11 đều đã bị xóa. Ví dụ, một liên kết từ Mega.nz đối với tập tin Windows 11 ISO đã bị xóa với nội dung cho biết “Tệp bạn đang cố tải xuống không còn nữa” và quy lỗi là do vi phạm bản quyền hoặc do người tải lên ban đầu đã xóa tập tin. Chính vì vậy, việc tìm kiếm tập tin ISO của Windows 11 trực tuyến trở nên khó khăn hơn.
Windows 11 ISO bị rò rỉ thực sự hoạt động, mặc dù có hạn chế về tính năng.
Nội dung thông báo gỡ xuống nhấn mạnh rằng bản dựng Windows 11 bị rò rỉ gần như chắc chắn hợp pháp khi nó thực sự hoạt động. Sau khi cài đặt hệ điều hành Windows 11 từ các tập tin rò rỉ, dịch vụ nền trên hệ điều hành đều cho thấy nó chạy trực tiếp từ máy chủ của Microsoft. Mặc dù vậy, bản dựng rò rỉ có thể không chứa mọi tính năng mới trong hệ điều hành sắp tới, bao gồm Microsoft Store đại tu. Công ty dự kiến sẽ công bố tất cả những điều này tại sự kiện diễn ra vào ngày 24/6.