Một nhãn dán tí hon từ Châu Âu có thể thay đổi cả thế giới smartphone

Pin điện thoại thông minh hứa hẹn sẽ "trâu" và dễ sửa hơn kể từ tháng 6 năm nay.

Những con số khó hiểu về thời lượng pin trên vỏ hộp điện thoại sắp tới có thể sẽ trở nên minh bạch và đáng tin cậy hơn rất nhiều. Liên minh Châu Âu (EU) vừa đưa ra một quy định mới yêu cầu dán nhãn thông tin chi tiết về pin, khả năng sửa chữa và hỗ trợ trên smartphone, động thái được kỳ vọng sẽ tạo ra làn sóng cải tiến mạnh mẽ cho ngành công nghiệp này trên toàn cầu.

Trong nhiều năm qua, các công ty công nghệ đã bị thúc đẩy bởi EU phải minh bạch hơn với người dùng. Điển hình là việc EU đã buộc Apple phải chuyển sang sử dụng cổng USB-C làm tiêu chuẩn sạc cho iPhone, tạo ra một sự đồng nhất có lợi cho người tiêu dùng trên khắp thế giới. Lần này, sự chú ý được đổ dồn vào pin và vòng đời sản phẩm của điện thoại thông minh.

Bắt đầu từ ngày 20/6 năm nay, tất cả điện thoại thông minh và máy tính bảng bán ra tại thị trường EU sẽ phải có một nhãn dán mới trên vỏ hộp. Nhãn này sẽ hiển thị rõ ràng các thông tin quan trọng mà trước đây thường mơ hồ hoặc khó tìm thấy, bao gồm tuổi thọ pin ước tính, hiệu quả sử dụng pin, khả năng sửa chữa, cũng như các chỉ số về độ bền khi rơi rớt và khả năng chống nước/bụi. Mục đích là để người tiêu dùng có cái nhìn chính xác và đầy đủ hơn về sản phẩm trước khi quyết định mua.

Nhãn hiển thị khả năng sửa chữa và thời lượng pin trên hộp smartphone.

Nhãn hiển thị khả năng sửa chữa và thời lượng pin trên hộp smartphone.

Tuy nhiên, tác động thực sự của quy định này không chỉ dừng lại ở việc cung cấp thông tin. Để một nhà sản xuất có thể in những chỉ số tốt về pin hay khả năng sửa chữa lên nhãn dán đó, thiết bị của họ phải đáp ứng các tiêu chuẩn tối thiểu nghiêm ngặt. Cụ thể, quy định mới đi kèm với yêu cầu các mẫu điện thoại phải đảm bảo pin có thể duy trì ít nhất 80% dung lượng gốc sau 800 chu kỳ sạc. Quan trọng hơn, các hãng sẽ phải cam kết cung cấp hỗ trợ cập nhật phần mềm trong ít nhất 5 năm và đảm bảo linh kiện thay thế có sẵn trong vòng ít nhất 7 năm kể từ khi sản phẩm ngừng bán.

Những tiêu chuẩn bắt buộc này đồng nghĩa với việc các nhà sản xuất sẽ phải thiết kế và chế tạo điện thoại bền bỉ hơn, pin chất lượng cao hơn và đặc biệt là chú trọng vào việc hỗ trợ phần mềm và cung cấp linh kiện thay thế lâu dài.

Mặc dù quy định này chỉ có hiệu lực bắt buộc tại thị trường Châu Âu, nhưng với quy mô và tầm ảnh hưởng của khu vực này, rất có khả năng các nhà sản xuất sẽ không chỉ tạo ra phiên bản "chuẩn EU" riêng biệt. Thay vào đó, để tối ưu hóa sản xuất và phân phối, họ có thể sẽ nâng cấp tiêu chuẩn cho các mẫu điện thoại bán ra trên toàn cầu. Nhờ vậy, người dùng smartphone trên khắp thế giới có thể sẽ sớm được hưởng lợi từ những chiếc điện thoại có pin "trâu" hơn, được cập nhật phần mềm lâu dài hơn và dễ dàng sửa chữa khi gặp sự cố, tất cả xuất phát từ một quy định tưởng chừng "nhỏ" về một nhãn dán trên vỏ hộp ở Châu Âu.