Chip chỉ là một phần, RAM giờ mới là "chân ái"?
"Điện thoại cần bao nhiêu RAM mới đủ? " là câu hỏi mà nhiều người sẽ thắc mắc mỗi khi có ý định mua máy mới.
Smartphone vượt qua giới hạn về RAM sau mỗi vài năm khi cần đáp ứng những đột phá về khả năng đa nhiệm hay sự tiến bộ gần đây hơn về mảng game di động. Nếu như trước đây, 8GB RAM đã đủ cho ngay cả những người dùng có nhu cầu đa nhiệm nhiều nhất thì sự ra đời của AI đang đẩy yêu cầu đó lên cao hơn.
Đối với bản nâng cấp tiếp theo có lẽ người dùng sẽ phải cần một chiếc máy có ít nhất 12GB RAM để sử dụng trơn tru, hoặc thậm chí còn nhiều hơn nữa.
Các flagship Android hàng đầu đều đã vượt qua được mức này, nhưng vẫn còn khá nhiều điện thoại tầm trung đã gặp phải tình trạng thiếu bộ nhớ. Pixel 8 của Google có lẽ là ví dụ nổi tiếng nhất khi Gemini Nano dành cho Pixel 8 và 8a phải ra mắt muộn hơn nhiều tháng so với chiếc 8 Pro có hẳn RAM 12GB.
Sau đó là dòng iPhone 15 và Apple Intelligence. iPhone 15 và 15 Plus cấp thấp sẽ không có các tính năng AI thế hệ đầu tiên của Apple, được cho là do hạn chế về RAM.
Các mẫu máy này chỉ có 6GB thay vì 8GB, mặc dù chạy chipset ngang với các mẫu Pro và Pro Max đời trước. Thậm chí, ngay cả những người sở hữu 15 Pro trở lên cũng có thể sớm thấy điện thoại của mình trở nên tụt hậu chỉ trong thời gian ngắn vì AI.
Mặc dù AI sẽ chạy nhanh hơn hoặc chậm hơn tùy thuộc vào bộ xử lý, nhưng thiếu RAM thì khả năng còn không chạy được. Đó là chưa kể đến những đòi hỏi khổng lồ từ AI tạo sinh.
Không giống như các ứng dụng và trò chơi có thể phân bổ khi cần, AI thường cần truy cập tức thời vào toàn bộ mô hình, đòi hỏi rất nhiều dung lượng RAM. Chúng ta vẫn đang ở giai đoạn đầu của Gemini Nano và Galaxy AI. Chẳng ai biết được những năng AI trong tương lai sẽ còn yêu cầu khủng khiếp đến mức nào nữa.
8GB là mức tối thiểu hiện nay, nhưng 16GB hoặc thậm chí 24GB sẽ sớm là yêu cầu cần thiết cho các tính năng AI tiên tiến chỉ trong vài năm tới. Tuy nhiên, một lời khuyên là hãy cẩn thận với các thương hiệu (thường là từ Trung Quốc) chào hàng "RAM ảo" hoặc các công nghệ tương tự để tăng lượng RAM một cách lập lờ.
RAM ngày càng quan trọng
Tất nhiên, RAM chỉ là một phần của bài toán AI tổng thể nên kể cả có đến 32GB RAM đi nữa thì nó đôi khi cũng không đáp ứng được một số tính năng AI.
Ví dụ, ngay cả khi Galaxy A35 giá rẻ của Samsung có nhiều RAM nhưng bộ xử lý cấp thấp của máy vẫn thiếu khả năng NPU cần thiết cho bất kỳ tác vụ AI nào trên thiết bị. Đó là rào cản khi Samsung muốn đưa Galaxy AI vào các thiết bị tầm trung để tăng độ cạnh tranh.
Tương tự như vậy, không phải mọi thương hiệu đều có khả năng mang lại sự vượt trội về AI ngay lúc này. Mặc dù đã tích hợp rất nhiều RAM vào điện thoại thông minh, OnePlus, Xiaomi và các hãng sản xuất Trung Quốc khác vẫn chưa thể khai thác lợi thế phần cứng bằng AI từ đầu chỉ vì phát triển phần mềm AI rất tốn kém và đòi hỏi nhiều chuyên môn.
Cho đến nay, họ chủ yếu dựa vào một số tính năng Gemini mà Google đã triển khai cho các thiết bị ngoài Pixels. Để so sánh, Google đã nghiên cứu về AI đám mây trong nhiều năm và hiện đang chắt lọc tinh túy cho thiết bị di động của hãng.
Các thương hiệu khác gần như chắc chắn sẽ sớm phát hành phiên bản AI di động của riêng họ, ngay cả khi cần tận dụng các công cụ của bên thứ ba như Apple đã làm, nên bạn không nên vội vã mua điện thoại nhiều RAM nhất có thể mà không biết thương hiệu đó liệu sau này có AI hay không.
Từ những kết luận trên cho ta thấy những lựa chọn khả thi nhất là Apple, Google và Samsung - ba công ty lớn trong lĩnh vực AI hiện tại.
Tuy nhiên, ngay cả với các thương hiệu nói trên, người dùng có lẽ cũng nên đợi những chiếc điện thoại thế hệ tiếp theo như Google Pixel 9, Samsung Galaxy S25 hoặc dòng Apple iPhone 16, vốn sẽ được các hãng tăng cường thêm RAM nhiều hơn để cập nhật các tính năng di động mới nhất trên hành trình AI.
Có thể thấy, tiêu chí hàng đầu hiện nay khi mua một chiếc điện thoại là RAM. Chưa bao giờ RAM lại được ưu tiên chẳng kém so với chip như vậy. Nhưng điều quan trọng hơn cả là hãy chọn những thương hiệu đáp ứng được nhu cầu AI mong mỏi của bạn.