Vẫn lấy ngành IT làm đầu tàu mũi nhọn cho sự phát triển của đất nước, sự khởi sắc của IT đem lại nhiều tín hiệu mừng cho nền kinh tế của đất nước cũng như sự lan tỏa tích cực đến các lĩnh vực và ngành nghề khác.
Xu hướng doanh nghiệp ưu tiên tái đào tạo nhân viên
Ứng biến với đại dịch COVID-19, các doanh nghiệp cũng có những thay đổi trong kế hoạch tuyển dụng để phù hợp với ngân sách của công ty.
Cụ thể, hơn 50% doanh nghiệp vẫn duy trì tuyển dụng, vì nhìn chung ngành IT không chịu sự biến động mạnh như các ngành nghề khác. Dù vậy, vẫn có khoảng 10% doanh nghiệp buộc phải đưa ra những quyết định khó khăn nhằm đảm bảo nguồn tài chính và sự sống còn của công ty.
Ngay sau đại dịch, một số vị trí nhận được sự ưu tiên trong công tác tuyển dụng. Có thể thấy, doanh nghiệp chú trọng những vị trí thuộc cấp quản lý, đáng chú ý là nhân lực có kinh nghiệm nhận được sự quan tâm rất chênh lệch so với fresher (sinh viên CNTT mới ra trường hoặc có 1-2 năm kinh nghiệm).
Ngoài ra còn có khái niệm rất mới mà doanh nghiệp có thể cân nhắc với những dự án vừa và nhỏ, chính là Gig workers. Gig workers có thể hiểu là những nhân viên thời vụ, làm việc độc lập và ký biên bản thỏa thuận với doanh nghiệp để cung cấp dịch vụ cho một số dự án nhất định.
Mức lương một số vị trí lên đến 130 triệu đồng
Ở thời điểm hiện tại, số lượng và nhu cầu về nhân sự IT vẫn luôn tăng trưởng. Dù bối cảnh có nhiều thay đổi, mức lương trung bình thị trường IT vẫn không bị ảnh hưởng quá nhiều.
Tuy nhiên, thị trường dần có những sự chuyển dịch và phân hóa rõ ràng hơn ở các nhân sự IT có trình độ khác nhau.
Điều này thể hiện rõ nhất ngay ở giai đoạn COVID-19, các nhân sự IT đa năng hơn, đáp ứng nhu cầu khắt khe hơn sẽ được trọng dụng với mức lương trung bình tăng nhanh hơn trung bình thị trường.
Về phía ngược lại, các nhân sự IT thông thường có xu hướng giảm về mức lương trung bình cũng như nhu cầu tuyển dụng chững lại đáng kể.
Mức lương trung bình cao nhất trong giới lập trình thuộc về vị trí CTO/CIO (lên đến 130 triệu đồng), người đảm nhận công việc quản lý, tối ưu công nghệ của doanh nghiệp.
Công nghệ được trả lương cao nhất là Kubernetes (38 triệu đồng). Nhìn chung, so với khảo sát năm 2019 do TopDev phát hành, không có sự tăng trưởng đột biến về mức lương trung bình cho các vị trí.
Tuy nhiên, đối mặt với nhu cầu, đầu tư từ các doanh nghiệp lớn quốc tế, câu chuyện về phúc lợi và thu nhập của ngành lập trình sẽ luôn thay đổi và mang tính cạnh tranh hơn.