Muôn kiểu lừa đảo của ứng dụng FacePlay ghép mặt vào video

FacePlay là ứng dụng đang thu hút rất nhiều người dùng mạng xã hội trong thời gian gần đây.

Thông qua ứng dụng FacePlay, người dùng có thể ghép gương mặt của chính họ vào những đoạn video sẵn có do ứng dụng cung cấp. Sau đó họ có thể chia sẻ video này lên mạng xã hội với khả năng xử lý ấn tượng và khá khớp nên nhận được sự quan tâm từ đông đảo người dùng. Đây là ứng dụng miễn phí một phần nên nhiều người rất quan tâm, mặc dù vậy có một số cảnh báo mà nhiều người có thể không hay biết, khiến họ mất một số tiền lớn mà không hay biết.

FacePlay là sản phẩm của hãng phần mềm BigHead Bros (có trụ sở tại Thâm Quyến, Trung Quốc). Ứng dụng này ban đầu có cả phiên bản dành cho AndroidiOS, nhưng hiện tại phiên bản FacePlay trên nền tảng CH Play dành cho Android đã bị xóa bỏ mà chỉ còn trên iOS.

Khi cài đặt ứng dụng, nó chỉ cho phép người dùng sử dụng thử miễn phí trong 3 ngày kèm rất nhiều quảng cáo, nhãn bản quyền video sau xử lý và tốc độ xử lý rất chậm. Để giải quyết điều này, cách duy nhất là nâng cấp lên phiên bản trả phí. Nhưng đây cũng chính là con đường mà nhà phát triển đã vạch ra sẵn để đưa người dùng vào bẫy nếu không chú ý kỹ.

Muôn kiểu lừa đảo của ứng dụng FacePlay ghép mặt vào video - 3

Phí đăng ký FacePlay mỗi tuần là 139.000 đồng chứ không phải là 1.390 đồng.

Thay vì cung cấp ứng dụng dưới dạng mua đứt, FacePlay chỉ cung cấp dưới dạng đăng ký dùng thử với thời hạn nhất định theo tuần hoặc năm. Mỗi tuần, số tiền mà người dùng phải thanh toán cho nó là 139.000 đồng, trong khi mỗi năm là 1,059 triệu đồng. Quan trọng hơn, số tiền hiển thị trong phiên bản trả phí được công ty che đi hai số 0, khiến họ tưởng nhầm là mua nó với giá 1.390 đồng hoặc 10.590 đồng tương ứng. Nhiều người tưởng số tiền chi ra nhỏ nên cứ thanh toán mà không biết số tiền cuối cùng mà mình trả cho nhà phát triển FacePlay cao hơn gấp 100 lần.

Chưa hết, ứng dụng có tính năng tự động gia hạn đăng ký phiên bản trả phí, có nghĩa là nếu đăng ký thuê bao bao sử dụng 1 tuần với giá 139.000 đồng, sau khi hết thời gian sử dụng nó sẽ tự động đăng ký thêm một tuần nữa mà không cần hỏi ý kiến của người dùng. Điều này khiến số tiền trong thẻ tín dụng của người dùng cứ thế không cánh mà bay.

Muôn kiểu lừa đảo của ứng dụng FacePlay ghép mặt vào video - 4

Ứng dụng có chức năng gia hạn tự động.

Cảnh báo về quyền riêng tư

FacePlay là một ứng dụng được cung cấp miễn phí cho iPhone. Người dùng cũng có thể chọn phiên bản Pro (trả phí) nếu không bị quảng cáo làm phiền, bị chèn dấu ứng dụng và tăng tốc xử lý, mà đặc biệt là quan tâm đến bảo mật thông tin cá nhân dựa vào chính sách bảo mật của BigHead Bros.

Mặc dù chỉ mất thời gian ngắn để tải xuống ứng dụng và tạo hiệu ứng để trải nghiệm ngay cả khi sử dụng ứng dụng miễn phí nhưng các chính sách bảo mật lại rất đáng quan tâm. Theo nhà phát triển, họ sẽ thu thập hình ảnh về gương mặt, từ đó giúp ứng dụng có thể nhận diện và xử lý gương mặt trên video được hiệu quả và chính xác hơn.

Muôn kiểu lừa đảo của ứng dụng FacePlay ghép mặt vào video - 5

Quyền riêng tư của FacePlay với nhiều dữ liệu thu thập không liên quan đến hoạt động của nó.

Ngay cả khi sử dụng phiên bản trả phí nó cũng thu thập nhiều dữ liệu khác của người dùng liên quan đến quyền riêng tư, bao gồm quyền xác định vị trí của người dùng, thông tin liên lạc (email, số điện thoại…), lịch sử giao dịch…  Quan trọng hơn, đối với người dùng phiên bản miễn phí, nhà phát triển sẽ chia sẻ dữ liệu cá nhân đó với các đối tác và nhà quảng cáo bên thứ ba ở các quốc gia bên ngoài quốc gia của người dùng, bao gồm cả các nhà quảng cáo có thể theo dõi hoạt động của người dùng trên web.

Ở thời điểm hiện tại FacePlay vẫn được chấp thuận xuất hiện trên kho ứng dụng App Store của Apple mà vẫn chưa có bất kỳ cảnh báo về các vấn đề thu thập thông tin cá nhân người dùng.