Đến hẹn lại lên, Black Friday đang diễn ra đánh dấu một trong những dịp mua sắm lớn nhất của năm, chứng kiến nhiều sản phẩm hạ giá siêu khủng khiến các tín đồ shopping không thể kiềm lòng. Thời đại số lên ngôi với nhiều dịch vụ vận chuyển và đặt hàng online lại càng khiến các "thượng đế" mừng rơn, chỉ cần ngồi nhà và bấm nút, duyệt thẻ là cứ thế hàng về xoành xoạch.
Thế nhưng, bấy nhiêu đó cũng rất dễ trở thành động lực cho kẻ xấu tập trung lên kế hoạch tấn công những người nhẹ dạ cả tin, sẵn sàng cúng nộp thông tin và tiền bạc cho chúng mà không mảy may hay biết. Vì thế, hãy dành ngay vài phút nghía qua các chiêu trò được chuyên gia khuyến cáo dưới đây để tránh tiền mất tật mang, biến ngày mua sắm vui vẻ trở thành cơn ác mộng lép ví nhé.
1. Đừng quá tin tưởng những quảng cáo bất chợt trên email, mạng xã hội
Rất dễ để bắt gặp một vài email chào hàng gửi đến email hoặc xuất hiện trong mục đề xuất quảng cáo trên Facebook, tất cả đều có khung hình hấp dẫn cùng mức giá siêu hời về một sản phẩm. Thế nhưng, đừng vội mờ mắt để mà sập bẫy trước khi tự tay kiểm tra độ xác thực của chúng, bởi "của rẻ là của ôi" mà.
Nhẹ thì đó là một món hàng giá trị thấp nhưng bị biến tấu, lừa đảo để khách hàng mua với giá cao, không hạ chút nào; nặng hơn thì là bóng dáng những hacker đang chờ chực xâm nhập thiết bị của bạn thông qua các đường link độc hại gắn kèm trong email hoặc quảng cáo. Nếu đã lỡ click, hãy nhớ tuyệt đối không cho phép cài đặt/download thứ gì về thiết bị để mở và sử dụng. Tỷ lệ rất cao chúng sẽ chứa những mã nguồn xấu để lây nhiễm và chiếm quyền kiểm soát của bạn lúc nào không hay, lấy đi thông tin nhạy cảm như tài khoản ngân hàng, thông tin cá nhân và nhiều thứ khác.
2. Máy ăn trộm thông tin thẻ ngân hàng
Vấn đề này đã hiện hữu từ lâu nhưng hiện chưa có cách ngăn chặn triệt để từ trong trứng nước, đặc biệt là vào những mùa cao điểm. Một phần thiết bị đặc biệt được kẻ xấu tự chế sẽ có khả năng lắp kèm ẩn giấu vào phần quẹt (tại máy ATM, máy quét thẻ tự động), ngay khi người dùng lắp thẻ và bấm mật khẩu sẽ bị ghi lại ngay lập tức mọi thông tin truy cập.
Đôi khi, những kẻ hacker có thể sử dụng phương pháp tinh vi hơn: không cần tự tay lắp thiết bị kèm vào nơi quẹt thẻ, chỉ cần xâm nhập trang web mua sắm online mục tiêu để chờ sẵn các "thượng đế" dâng nộp tài khoản cho mình. Tất nhiên, đây là cách tốn nhiều công sức và trình độ hơn, nhưng cũng không phải bất khả thi và đã từng được thực hiện ngay gần đây, gây ảnh hưởng lớn tới hãng thời trang Macy's vào tháng 10 vừa rồi.
Thông tin tài khoản thanh toán của bạn luôn là con mồi tiềm năng được nhắm đến.
"Không có cách nào để một khách hàng hoặc người bình thường có thể nhận ra mối nguy hiểm đang rình rập mình ở một website bị xâm nhập theo cách đó," chuyên gia an ninh Tim Mackey từ Synopsis chia sẻ. Dù vậy, anh vẫn mách nước thêm một vài cách để tự bảo vệ bản thân hiệu quả nhất trước mọi tình huống:
- Không lưu sẵn thông tin thẻ tín dụng trên bất kỳ website nào.
- Sử dụng các dịch vụ thanh toán trung gian như Apple Pay, PayPal...
- Đăng ký dịch vụ tự động thông báo bằng tin nhắn/app khi có biến động số dư tài khoản.
- Hủy chức năng tự động thanh toán quốc tế trên thẻ tín dụng.
- Không truy cập Wi-Fi ở nơi lạ để đăng nhập hoặc thanh toán thẻ. Nếu được, hãy cố về nhà hoặc tự phát 3G để kết nối.