Trong bài công bố trên tạp chí khoa học Earth and Planetary Science Letters, nhóm tác giả đến từ Đại học Paris-Saclay (Pháp) và Trường Hóa học thuộc Đại học Leeds (Anh), cho biết trung bình có đến 15.000 tấn mưa bụi không gian đi vào bầu khí quyển Trái Đất, trong đó ít nhất 5.200 tấn sẽ chạm được tới mặt đất mỗi năm.
Tuy con số 5.200 tấn là khổng lồ, nhưng bạn vẫn không cần e sợ mình mắc kẹt trong những cơn mưa bụi đất dữ dội trong năm nay. Bởi lẽ, mưa bụi này được làm bằng các vi vật cực nhỏ, có kích thước dưới 700 micro mét (0,7 mm), bao gồm 1.600 tấn vi vật thể và 3.600 tấn tính cầu vũ trụ (đá không gian nóng chảy). Mưa bụi này được phân bố đều, rỉ rả khắp Trái Đất, do vậy bạn hầu như không thể nhận biến được.
Nhóm nghiên cứu này cũng đã thực hiện 6 cuộc thám hiểm Nam Cực trong suốt 20 năm để đem về được 1.280 hạt vi vật thể và 808 tinh cầu vũ trụ có khối lượng dưới 350 microgram. Những hạt này giúp họ tính toán tốc độ chúng rơi xuống bề mặt cũng như xác định nguồn gốc của hạt. Nam Cực được lựa chọn bởi miền đất hoang sơ này rất ít bị ô nhiễm bởi tác động từ sinh vật sống, giúp bảo tồn tốt hơn những "kẻ xâm nhập" ngoài hành tinh.
Tất cả các dữ liệu được đưa vào một mô hình máy tính, giúp tính toán ra những con số "kinh dị" nói trên. Sở dĩ trong 15.000 tấn vật chất ngoài hành tinh đổ vào bầu khí quyển chỉ có 5.200 tấn chạm đất là vì bầu khí quyển dày của chúng ta đã làm phần nhiều các hạt bị cháy, tan biến trước khi chạm đất.
Theo Science Alert, 80% lượng bụi vũ trụ này có nguồn gốc từ những sao chổi.
Các nhà nghiên cứu khẳng định việc tìm hiểu về những cơn mưa bụi kỳ lạ này là "cửa sổ" quan trọng để hiểu được cách những cơn mưa bụi tương tự hàng tỉ năm trước - có thể là dồi dào và mạnh mẽ hơn nhiều lần - đã gieo mầm các phân tử nước và carbon cho Trái Đất, là những mảnh ghép đầu tiên cho sự ra đời của muôn loài.