NASA chụp được bằng chứng Sao Kim sống được từ 17 năm trước?

"Khai quật" dữ liệu tàu Magellan của NASA, một nhóm khoa học gia phát hiện ra rằng cơ quan này có thể đã chụp được bằng chứng rõ ràng về hoạt động kiến tạo mảng ở Sao Kim mà không hay.

Sứ mệnh Magellan của NASA đã kết thúc từ năm 2004 và để lại một kho dữ liệu đồ sộ về Sao Kim. Mới đây, nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi phó giáo sư Paul Byrne từ Đại học Bang North Carolina (Mỹ) đã phát hiện ra một khoảnh khắc đáng kinh ngạc cho thấy hành tinh này vẫn đang hoạt động về mặt địa chất - yếu tố quan trọng giúp nuôi dưỡng sự sống!

Theo tờ Space, những bức ảnh có tuổi đời ít nhất 17 năm cho thấy các khối thạch quyển của Sao Kim không liền mạch mà chia làm nhiều mảng nhỏ, di chuyển ra xa nhau hay gần lại, đẩy nhau, xoay chuyển và trượt, giải phóng một chất lỏng khá đặc, nhờn giống magma trong suốt quá trình. Các mô hình máy tính chứng minh các quá trình này trùng khớp đáng ngạc nhiên với hoạt động kiến tạo mảng của Trái Đất.

Nói cách khác, đây có thể chính là bằng chứng sống động về hoạt động địa chất - kiến tạo mảng trên hành tinh bấy lâu được cho là "bản sao địa ngục" của Trái Đất. Các hoạt động địa chất rất quan trọng trong việc giúp sự sống phát sinh và nuôi dưỡng nó trên hành tinh, thông qua việc thúc đẩy các phản ứng sinh ra sự sống và duy trì môi trường, khí hậu phù hợp để sự sống đó có cơ hội sinh tồn, phát triển và tiến hóa. Trái Đất là hành tinh duy nhất trong Hệ Mặt Trời có hiện tượng kiến tạo mảng.

Phát hiện này có thể đánh đổ quan niệm lâu đời rằng bề mặt Sao Kim được tạo thành bởi một lớp vỏ đá rắn chắc, liền mạch giống mặt trăng của Trái Đất. Vỏ Trái Đất được cấu thành từ khoảng 15 mảnh lớn nhỏ, liên tục vận động khiến các lục địa nhiều lần "khắc nhập, khắc xuất" trong suốt lịch sử hành tinh.

Nghiên cứu cũng giúp định hướng cho nhiều dự án của NASA hướng tới Sao Kim trong thời gian tới. Công trình vừa được đăng tải trên tạp chí khoa học Proceedings of the National Academy of Sciences.