NASA tìm ra siêu Trái Đất "có thể ở được"

Siêu Trái Đất TOI-715b chỉ cách chúng ta 137 năm ánh sáng, một khoảng cách đủ gần để khám phá chi tiết.

Theo bài viết trên chuyên san khoa học Astrobiology của nhà sinh vật học không gian Keith Cowing, cựu Quản lý tải trọng của Trạm Vũ trụ NASA, siêu Trái Đất TOI-751b nằm trọn vẹn trong vùng sự sống Goldiliocks của ngôi sao mẹ.

Nó đã được phát hiện bởi "thợ săn ngoại hành tinh" của NASA, một tàu vũ trụ chuyên truy tìm các thế giới giống Trái Đất.

Siêu Trái Đất TOI-751b - Ảnh: NASA

Nghiên cứu của nhóm khoa học gia dẫn đầu bởi TS Georgina Dransfield từ đại học Brimingham (Anh) cho thấy TESS thực sự "bắt được vàng".

Không chỉ nằm trong vùng sự sống - tức nơi nhiệt độ vừa đủ để có nước lỏng và các điều kiện sống phù hợp - TOI-751b còn có kích thước khoảng 1,5 lần Trái Đất.

Vùng sự sống của ngôi sao mẹ được đánh dấu bằng vòng tròn màu lục mờ. TOI-715b nằm trọn vẹn trong vùng này - Ảnh: ASTROBIOLOGY

Vùng sự sống của ngôi sao mẹ được đánh dấu bằng vòng tròn màu lục mờ. TOI-715b nằm trọn vẹn trong vùng này - Ảnh: ASTROBIOLOGY

Một hành tinh cỡ Trái Đất hoặc một siêu Trái Đất không quá chênh lệch về kích cỡ được cho là những ứng cử viên hàng đầu trong cuộc săn tìm sự sống ngoài hành tinh của NASA.

TOI-715b quay quanh một ngôi sao lùn đỏ, là loại sao nhỏ và mát hơn Mặt Trời chúng ta, nên việc nó ở khá gần sao mẹ đã vô tình giúp nó lọt vào vùng sự sống.

Một năm trên siêu Trái Đất này chỉ dài bằng 19 ngày trên địa cầu.

Sao mẹ TOI-715 nằm ở nơi cách Trái Đất chỉ 137 năm ánh sáng, vẫn là một khoảng cách khá gần đối với giới thiên văn, đủ để siêu kính viễn vọng James Webb xem xét kỹ lưỡng hơn.

Với tầm quan sát của James Webb, các nhà khoa học NASA kỳ vọng nó sẽ thu được quang phổ chi tiết giúp thể hiện thành phần của bầu khí quyển TOI-715b.

Bởi lẽ, thành phần hóa học trong khí quyển chính là yếu tố hàng đầu giúp xác định trên hành tinh đó có sinh vật sống hay không. Một số hợp chất hữu cơ liên quan mật thiết đến hoạt động sinh học chính là bằng chứng cho sự sống.

Những bước tiếp theo còn bao gồm việc nghiên cứu thành phần tạo nên hành tinh này, thông qua phân tích dữ liệu từ TESS để xác định chính xác nó thuộc loại hành tinh đá nào.

Nó có thể có nước vừa phải như địa cầu, hoặc có thể là dạng hành tinh đại dương có rất nhiều nước.

Dạng hành tinh đá có nước vừa phải vẫn được xếp hàng đầu trong các thế giới được cho là có khả năng sinh sống, nhưng cũng có một số nghiên cứu gần đây khẳng định hành tinh đại dương cũng có thể sở hữu những dạng sống đặc biệt.

Nghiên cứu về siêu Trái Đất thú vị này vừa được công bố trên tạp chí khoa học Monthly Notices of the Royal Astronomical Society.