Theo NASA, đó là một phát hiện hết sức tình cờ. Curiousity, một cỗ xe tự hành vốn đã "hết hạn sử dụng" nhiều năm nhưng vì còn chạy tốt, đã tiếp tục hành trình của mình bằng các nhiệm vụ mở rộng, trong đó có lấy mẫu đá ở chân núi Sharp của Sao Hỏa. Tuy nhiên máy khoan của nó đột nhiên ngừng hoạt động.
Thay vì tạm dừng cả cỗ máy cũ kỹ để chờ thay bánh răng, các nhà khoa học NASA đã quyết định cho Curiosity là một nhiệm vụ khác: thay vì khoan đá và nghiền thành bột, nó đã xúc một ít cát trên bãi Ogunquit gần đó để đưa vào "phòng thí nghiệm hóa học ướt" được tích hợp bên trong "cơ thể", bao gồm 9 cốc dung môi.
Theo Science Alert, nhóm nghiên cứu đã không mấy mong đợi điều gì mới mẻ, bởi họ tin rằng cát khó lòng lưu trữ các phân tử hữu cơ - mục tiêu tìm kiếm chính của Curiosity khi được phóng lên Sao Hỏa vào năm 2011. Họ chỉ đơn giản để nó làm một điều gì đó trong thời gian chờ đợi khắc phục sự cố mũi khoan.
Thế nhưng khi các chất hóa học phá vỡ lớp ngoài cùng của số cát, họ đã xác định được dấu hiệu của rất nhiều chất hữu cơ như amoniac và axit benzoic, và cả nhiều dạng hợp chất hữu cơ chưa từng được tìm thấy trước đó trên Sao Hỏa.
Sự việc đã xảy ra từ năm 2016, và ban đầu được cho là kém quan trọng bởi đó chưa phải là bằng chứng trực tiếp của sự sống. Nhưng sau một thời gian đánh giá, mới đây các nhà khoa học NASA quyết định công bố vì tin rằng điều này sẽ mở ra một hướng đi mới - một cách thức khác để tìm kiếm các dạng khối xây dựng sự sống có thể áp dụng cho cả Curiostiy và các robot, tàu thám hiểm tân tiến hơn sau này.
"Thí nghiệm này đã mở rộng danh mục các phân tử hữu cơ có trong các mẫu vật chất Sao Hỏa và chứng minh hiệu quả của một công cụ mạnh mẽ mới để tìm kiếm các phân tử hữu cơ khác có liên quan đến sinh vật hoặc vật chất tiền sinh học" - nhà sinh vật học Maëva Millan từ Trung tâm Chuyến bay vũ trụ Goddard của NASA và Đại học Georgetown, người đứng đầu nhóm nghiên cứu NASA, tuyên bố.
Nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí khoa học Nature Astronomy.