Jezero Crater là một chiếc hố khổng lồ trong số vô vàn "vết rỗ" của Sao Hỏa, được hình thành từ magma núi lửa nóng chảy. Khu vực này được cho là một đồng bằng trù phú hàng tỉ năm về trước với hệ thống sông hồ chằng chịt không khác Trái Đất, mà NASA rất hy vọng bảo tồn được sự sống ngoài hành tinh - ít ra là các bằng chứng về sự sống cổ đại lẫn trong trầm tích.
Vừa qua, Preseverance - chiếc rover thám hiểm thứ 2 của NASA - đã có phát hiện quan trọng khi sử dụng thiết bị mang tên SHERLOC thăm dò một khu vực gần bờ nước cổ đại ở Jezero Crater. Đó là các hợp chất hữu cơ chứa liên kết carbon - hydro, theo tuyên bố vừa được đưa ra tại Cuộc họp mùa thu của Liên minh Địa vật lý Hoa Kỳ.
Theo Science Alert, chưa thể nói đó là bằng chứng vì sự sống ngoài hành tinh. Chất hữu cơ đúng là một dạng vật liệu sự sống, nhưng cũng không loại trừ việc chúng được hình thành một cách phi sinh học.
Tuy nhiên bấy nhiêu đủ để làm tăng thêm khả năng có sự sống của Sao Hỏa, bởi lẽ sự hiện diện của phân tử hữu cơ cho thấy nó rất có thể sở hữu các điều kiện cần thiết để cấu thành sự sống vào một giai đoạn nào đó trong lịch sử hành tinh.
Theo nhà khoa học hành tinh Luther Beegle từ Phòng thí nghiệm Sức đẩy phản lực của NASA, đây không phải lần đầu tiên cơ quan vũ trụ này tìm thấy vật liệu hữu cơ. Trước đó, Curiousity - chiếc rover "già" hơn của NASA, đang làm nhiệm vụ tại Gale Crater của Sao Hỏa - cũng đã có phát hiện tương tự.
Ngoài ra, Preseverance còn đang sử dụng một công cụ khác để phân tích lớp đá gốc ở Jezero Crater, và nhận thấy chúng có cấu trúc khoáng chất tương tự đá lửa của Trái Đất.
Kết cấu của "đá lửa" ngoài hành tinh sẽ tiết lộ cách đá được hình thành và bị nước làm biến đổi, từ đó giúp tái hiện các thời kỳ địa chất, đặc biệt là thời kỳ Sao Hỏa ngập nước, cũng là giai đoạn mà Sao Hỏa được cho là có sự sống.