Theo thông báo chính thức được NASA phát hành hôm 8-12, Tàu Ionospheric Connection Explorer (ICON), làm nhiệm vụ như một vệ tinh nghiên cứu tầng điện ly của Trái Đất, đã mất liên lạc và nỗ lực khôi phục kết nối cũng vừa thất bại.
Lần đầu tiên ICON mất kết nối là ngày 25-11. Tàu này được trang bị một "bộ đếm thời gian mất hiệu lệnh", giúp nó tự khởi động lại toàn bộ hệ thống sau 8 ngày kể từ khi mất kết nối, từ đó khôi phục lại hoạt động bình thường.
Tuy nhiên đến ngày 5-12, NASA vẫn không nhận được tín hiệu nào từ tàu vũ trụ này dù đã quá thời hạn của quy trình nói trên.
Cơ quan này đã phải nhờ đến Mạng lưới Giám sát không gian của Bộ Quốc phòng Mỹ để truy tìm và đánh giá sơ bộ tình trạng của ICON, và xác định là hiện nó vẫn nguyên vẹn.
Theo Space News, NASA khẳng định họ đã loại trừ nguyên nhân tàu bị hư hỏng do va chạm, mà nghiêng về khả năng tàu vũ trụ bị lỗi hệ thống. Cơ quan này vẫn đang làm việc để cố tìm kiếm và sửa đổi các lỗi có thể xảy ra để kết nối lại với con tàu.
Tàu vũ trụ ICON trị giá 252 triệu USD, đã kết thúc sứ mệnh chính kéo dài 2 năm của nó vào cuối năm 2021 và đang trong phần sứ mệnh mở rộng. NASA cũng có những dự định mới cho tàu vũ trụ này vào năm 2023 vì trước lần mất kết nối này, con tàu hầu như chưa gặp bất kỳ trục trặc nào trong sứ mệnh.
ICON có nhiệm vụ nghiên cứu phía trên và phía trong tầng điện ly, là lớp khí quyển chứa các hạt tích điện tự do ở phía trên cùng của bầu khí quyển. Nó hoạt động ngay phía trên tầng này, ở độ cao từ 88 km đến 580 km kể từ mặt đất, được điều hành chính bởi Phòng Thí nghiệm không gian của Trường Đại học California ở Berkeley.