Ngày nay, điện thoại thông minh đã trở thành vật dụng không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày. Tuy nhiên, thói quen phổ biến là để điện thoại trong túi quần lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ, từ hao pin, tốn dữ liệu cho đến các sự cố ngoài ý muốn như tự động gọi điện hay bật ứng dụng không cần thiết. Để giúp bạn sử dụng điện thoại hiệu quả và an toàn hơn, dưới đây là các bước đơn giản để tránh lỗi chạm nhầm và kéo dài tuổi thọ thiết bị.
Tắt các kết nối không cần thiết
Bluetooth, NFC hay định vị GPS thường được bật mặc định trên điện thoại, nhưng khi không sử dụng, chúng không chỉ làm hao pin mà còn tiềm ẩn rủi ro bảo mật. Do đó, bạn cũng có thể tắt tạm thời các chức năng này đi để tiết kiệm pin và bảo vệ thông tin cá nhân, chỉ bật lại khi thực sự cần thiết. Một số điện thoại thông minh với hệ điều hành mới nhất đã được thiết lập sẵn để các chức năng này luôn tự động tắt sau 5-10 phút không được sử dụng.
Tắt tính năng "Nhấc điện thoại sáng màn hình"
Nhiều người có thể không để ý đến chức năng này nhưng khi màn hình liên tục tự động sáng lên khi bạn nhấc điện thoại lên, điều này làm tăng mức tiêu thụ điện năng của điện thoại của chúng ta. Nếu tình trạng này xảy ra lâu dài cũng sẽ ảnh hưởng đến tuổi thọ của điện thoại di động.
Để tắt tính năng này, mọi người có thể mở ứng dụng Cài đặt trên điện thoại mình lên, chọn mục Tính năng nâng cao, chọn mục Chuyển động và thao tác. Sau đó tiến hành bật tính năng Nhấc lên để đánh thức là xong.
Việc tắt chức năng này sẽ giảm thiểu tình trạng màn hình bật sáng không cần thiết, từ đó tiết kiệm năng lượng và kéo dài tuổi thọ pin.
Đóng các ứng dụng chạy ngầm
Các ứng dụng chạy ngầm không chỉ tiêu hao tài nguyên mà còn làm chậm điện thoại. Trước khi bỏ điện thoại vào túi, bạn nên thực hiện các thao tác sau để đóng hết ứng dụng chạy ngầm: Nhấn nút Đa nhiệm (thường là biểu tượng hình vuông ở góc dưới màn hình), sau đó vuốt để đóng từng ứng dụng hoặc nhấn Đóng tất cả để giải phóng RAM.
Điều này giúp điện thoại vận hành mượt mà hơn và tiết kiệm pin đáng kể.
Kích hoạt chế độ Bảo vệ tránh chạm vô tình
Một trong những nguyên nhân chính gây ra các sự cố khi để điện thoại trong túi là vô tình chạm nhầm vào màn hình. Khi kích hoạt tính năng này, điện thoại sẽ tự động vô hiệu hóa cảm ứng khi màn hình bị che khuất, như khi để trong túi quần. Điều này giúp giảm thiểu rủi ro do chạm nhầm và tăng độ an toàn khi sử dụng.
Tốt hơn nữa là bạn nên đặt mật khẩu khóa màn hình, sau đó luôn chú ý khóa màn hình trước khi nhét vào túi quần. Khi đó, dù có vô tình chạm phải màn hình điện thoại trong túi quần, điện thoại cũng sẽ không thể tự động "giải mã" để gọi hay nhắn tin cho người quen.
Lưu ý khi đặt điện thoại trong túi quần
Màn hình hướng vào trong
Khi đặt điện thoại vào túi quần, bạn nên để màn hình quay vào phía trong thay vì hướng ra ngoài. Việc này giúp giảm nguy cơ trầy xước hoặc vỡ màn hình khi có va chạm trong quá trình di chuyển. Ngoài ra, vì pin thường được đặt ở mặt sau điện thoại, quay màn hình vào trong cũng góp phần cải thiện khả năng tản nhiệt cho thiết bị.
Cổng sạc hướng lên trên
Một thói quen phổ biến của nhiều người là đặt điện thoại trong túi quần với cổng sạc hướng xuống dưới. Điều này dễ khiến bụi bẩn và xơ vải lọt vào loa hoặc cổng sạc, gây ảnh hưởng đến chất lượng âm thanh cũng như khả năng sạc pin. Để bảo vệ thiết bị tốt hơn, hãy đảm bảo cổng sạc luôn hướng lên trên khi bỏ vào túi.
Sử dụng ốp bảo vệ
Trang bị bao da hoặc ốp lưng cho điện thoại sẽ giúp giảm nguy cơ bị xước, hư hỏng hay vỡ khi va đập hoặc rơi. Đây là cách đơn giản nhưng hiệu quả để tăng độ bền cho thiết bị.
Việc sử dụng điện thoại thông minh hiệu quả không chỉ giúp tiết kiệm năng lượng mà còn tăng độ an toàn và tiện lợi. Bằng cách thực hiện các mẹo đơn giản trên, bạn có thể yên tâm sử dụng thiết bị của mình mà không lo ngại các sự cố không mong muốn xảy ra, đồng thời còn kéo dài tuổi thọ cho thiết bị.
Thùy Linh