Nghiên cứu mới, dẫn đầu bởi nhà thiên văn Tajana Schineiderman từ Viện Công nghệ Massachusetts, đã tìm thấy dấu hiệu của một thế giới giống Trái Đất sơ sinh, nhưng có thể trở thành một hành tinh chết vì đã bị "tước đoạt" bầu khí quyển.
Theo Space, đó là một hành tinh bí ẩn quay chung quanh ngôi sao HD 172555, chỉ mới 23 triệu năm tuổi và cách chúng ta 95 năm ánh sáng, nằm trong chòm sao Pavo (Khổng Tước).
Ngôi sao thu hút sự chú ý của các nhà khoa học vì tính chất bất thường của lớp bụi bao quanh đó. Bụi của ngôi sao này chứa những hạt mịn hơn nhiều các ngôi sao khác, chứa những chất bất thường bao gồm bụi đá vỏ chai (hắc diện thạch), đá thiên thạch (thủy tinh đen Tektit), vốn đòi hỏi nhiệt độ mạnh để hình thành.
Khảo sát chi tiết hơn nhờ đài quan sát ALMA ở Chile, họ tìm thấy một lượng carbon monoxide khổng lồ tương đương với 20% lượng carbon monoxide trong bầu khí quyển "địa ngục" của Sao Kim. Số carbon monoxide này quay vòng rất gần ngôi sao với khoảng cách chỉ 7,5 đơn vị thiên văn (AU, 1 AU bằng khoảng cách Mặt Trời - Trái Đất).
Theo EurekAlert, tất cả các yếu tố trên dẫn tới một kịch bản khả dĩ duy nhất: một thảm họa hành tinh kinh hoàng, giải phóng vật chất hành tinh, các vật chất hình thành từ tác động và cả một bầu khí quyển hành tinh vào không gian xung quanh ngôi sao mẹ của nó.
Đó rất có thể là vụ va chạm giữa 2 tiền hành tinh giống với Trái Đất sơ sinh, đủ mạnh mẽ để hợp nhất 2 hành tinh, đồng thời làm bầu khí quyển nóng lên và bị thất thoát. Vụ va chạm ước tính mới xảy ra 200.000 năm trước.
Phát hiện cũng cho thấy Trái Đất của chúng ta đã may mắn như thế nào vì các nghiên cứu trước đây cho thấy vào giai đoạn sơ khai, một hành tinh tên Theia, cỡ Sao Hỏa, đã lao thẳng vào Trái Đất. Rất may mắn địa cầu đủ mạnh mẽ để trụ vững, thu lấy vật chất từ vụ va chạm để tạo nên một Trái Đất mới tiếp tục phát triển phù hợp với sự sống.
Nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí khoa học Nature.