Theo ông Dmitry Rogozin, chùm vệ tinh Starlink có thể được sử dụng để can thiệp kỹ thuật nhằm thay đổi đường bay của tên lửa đạn đạo cũng như thực hiện các hoạt động gián điệp từ không gian.
SpaceX được cho là đã nhận khoảng 900 triệu USD từ chính phủ Mỹ, và công ty của tỷ phú Elon Musk có thể tiếp tục nhận tới 20 tỷ USD cho các dự án tiềm năng do chính phủ Mỹ đặt hàng trong tương lai gần.
Tổng Giám đốc của Roscosmos khẳng định, Nga sẽ "không ngồi yên và chờ đợi" các nguy cơ mới. Nga hiện đang phát triển dự án Sfera, bao gồm việc đưa hàng trăm vệ tinh lên quỹ đạo Trái đất "nhằm đảm bảo an ninh và lợi ích chính đáng của Nga".
Cho đến nay, khoảng 1.800 vệ tinh thuộc chùm vệ tinh Starlink đã được SpaceX đưa lên quỹ đạo. SpaceX đặt mục tiêu phóng 17.000 vệ tinh nữa nhằm mở rộng độ bao phủ toàn cầu. Theo dự tính ban đầu, chùm vệ tinh Starlink sẽ bao gồm khoảng 42.000 vệ tinh xoay quanh quỹ đạo thấp của Trái đất.
Bên cạnh những quan ngại từ Nga, chùm vệ tinh Starlink cũng đang phải đối mặt với nhiều chỉ trích về tác động của Starlink đối với ngành thiên văn học cũng như nguy cơ rác thải vũ trụ từ những vệ tinh không còn hoạt động.
Chùm vệ tinh Starlink của SpaceX hiện là một trong số những chùm vệ tinh tầm thấp lớn nhất trên thế giới. Cạnh tranh trực tiếp với SpaceX trong lĩnh vực này hiện có các công ty như Amazon của Mỹ và OneWeb của Anh.