Lợi dụng tình hình dịch bệnh khó khăn, kẻ gian đã thực hiện nhiều chiêu thức lừa đảo tinh vi thông qua các ứng dụng công nghệ, mạng xã hội nhằm chiếm đoạt tài sản của người dùng. Các chiêu thức lừa đảo này không quá mới mẻ nhưng đánh vào lòng tin, sự khó khăn do dịch bệnh và thường xuyên biến hóa nên người dùng vẫn mắc bẫy của kẻ gian.
Điển hình là việc lừa đảo thông qua tài khoản Zalo, do tại Việt Nam đa số mọi người đều sử dụng MXH này để liên lạc vì vậy đối tượng lừa đảo sẽ mạo danh người quen của nạn nhân để lừa đảo
Ảnh: Ngân hàng VP Bank
1. Kẻ gian lập tài khoản Zalo với tên và hình ảnh của người dùng (tạm gọi là A), đồng thời mở tài khoản trùng tên với A tại ngân hàng.
2. Kẻ gian kết bạn và nhắn tin cho bạn bè/người thân trong danh sách bạn bè (friendlist) của A, trình bày khó khăn, hỏi vay tiền sau đó cung cấp số tài khoản giả mạo trùng tên với A để nhận tiền.
3. Do tin tưởng vào thông tin, hình ảnh Zalo và tài khoản giả mạo A, bạn bè/người thân của A đã tin tưởng và chuyển khoản.
4. Khi bị phát hiện, kẻ gian lập tức chặn, xóa hoặc đổi tên tài khoản.
Nhiều người đã bị lừa đảo từ vài triệu đồng đến hàng chục triệu đồng
Đối tượng lừa đảo đã trở nên tinh vi khi lập tài khoản ngân hàng trùng với tên người quen khiến nhiều người tin tưởng, vì vậy để nâng cao cảnh giác bạn cần chú ý tới các vấn đề sau:
- Cảnh giác với các yêu cầu chuyển tiền/thanh toán qua các ứng dụng, mạng xã hội. Bạn cần xác thực thông tin bạn bè/người thân (qua điện thoại hoặc trực tiếp) trước khi thực hiện chuyển tiền/thanh toán.
- Tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, giấy tờ tùy thân, thông tin tài khoản ngân hàng cho bất cứ ai, kể cả người tự xưng là công an, cán bộ Tòa án, Bộ Y tế,...; đồng thời không chia sẻ các thông tin này lên mạng xã hội.
- Khi có bất kỳ nghi vấn liên quan đến hành vi lừa đảo giao dịch, bạn cần liên hệ ngay với Cơ quan Công an nơi gần nhất và thông báo cho ngân hàng.