Khoảng 11h trưa ngày 12/6/2020, chị Cát, kế toán của một công ty tư nhân tại quận Phổ Đà, thành phố Thượng Hải, Trung Quốc, bỗng nhận được thông báo kết bạn từ tài khoản QQ của một người lạ tự xưng là khách hàng của công ty. Thấy vậy, nữ kế toán này cũng đồng ý kết bạn ngay để tiện bề trao đổi công việc.
Sau khi thêm bạn bè, đối phương vội kéo chị Cát vào một nhóm chat có nhiều người đang bàn công việc. Chưa hiểu chuyện gì đang xảy ra, nữ kế toán này vội lướt đọc tin nhắn thì phát hiện trong nhóm có một tài khoản có tên giống với sếp Vương của mình. Khi ấn vào ảnh đại diện của tài khoản trên để kiểm tra, chị Cát lại càng chắc chắn hơn về điều đó.
Ảnh minh họa: Internet
Khi chưa biết mình phải làm gì, chị Cát tiếp tục giữ im lặng để theo dõi cuộc trò chuyện của sếp với đối tác. Chỉ ít phút sau, "sếp Vương" tag nữ kế toán này vào một dòng tin nhắn, thông báo rằng đối tác A vừa chuyển cho công ty 360.000 NDT (hơn 1,2 tỷ đồng) tiền hợp tác làm ăn, kèm theo ảnh chụp màn hình giao dịch đã thành công. Với tin nhắn sau đó, sếp Vương yêu cầu chị Cát chuyển khoản ngay 2 khoản tiền, tổng cộng là 1,29 triệu NDT (hơn 4,5 tỷ đồng) vào tài khoản ngân hàng của công ty đối tác B ở Ninh Hạ để hoàn tất hợp đồng với nội dung “việc gấp, không cần thủ tục rườm rà”.
Nhận được lệnh của sếp, nữ kế toán này không dám lơ là mà lập tức chuyển tiền rồi gửi ảnh giao dịch thành công vào nhóm để thông báo với sếp. Cuộc họp cũng kết thúc ngay sau đó, tuy nhiên lúc này, chị Cát phát hiện ra tài khoản của công ty vẫn chưa nhận được số tiền 360.000 NDT của đối tác A mà sếp Vương nhắc tới. Cảm thấy có gì đó không ổn, chị Cát này vội liên lạc lại cho sếp để xác minh tình hình nhưng câu nói của sếp trong điện thoại khiến nữ kế toán này lặng người:
"Em nói gì cơ, 360.000 NDT nào? Công ty mình làm gì có đối tác nào như thế?"
“Không phải sếp bảo em chuyển cho đối tác sao?”, chị Cát hoang mang hỏi lại.
Nhận thấy thái độ khác lạ của chị Cát, sếp Vương yêu cầu chị kể lại toàn bộ sự việc. Sau khi đã nắm rõ được mọi chuyện, vị sếp này nhận ra nữ nhân viên của mình đã bị lừa và công ty của mình đang bị những kẻ lừa đảo nhắm đến nên liền gọi điện báo cảnh sát.
Nhận được tin, cảnh sát quận Phổ Đà đã nhanh chóng thành lập đội đặc nhiệm và đến ngay công ty của sếp Vương để điều tra án. Sau khi kiểm tra và phân tích các giao dịch ngân hàng mà nữ kế toán họ Cát đã thực hiện, cảnh sát cuối cùng cũng xác định được "điểm cuối" nơi khoản tiền 1,29 triệu NDT của công ty này "đổ về". Qua đó, cảnh sát làm rõ thông tin danh tính cũng như phạm vi hoạt động của các nghi phạm trong vụ án và lên kế hoạch bắt giữ từng người một.
Vào tháng 7/2020, 7 nghi phạm hình sự trong vụ án này bao gồm Lưu, Vương, Nghiêm, Lư và 3 người khác đã bị bắt tại thành phố Tô Châu ở Giang Tô và thành phố Đông Quản ở Quảng Đông. Sau khi bị tóm, những nghi phạm này đã khai nhận hành vi phạm tội của mình.
Cảnh sát cho biết nhóm lừa đảo này hoạt động dưới sự phân công rõ ràng, từng người sẽ đảm nhận những nhiệm vụ khác nhau như "thuê" tài khoản ngân hàng của người khác; cấy virus để “ăn cắp” thông tin, dữ liệu của các công ty từ xa; lập tài khoản giả mạo trên các mạng xã hội để tiếp cận "con mồi"; lên kịch bản yêu cầu những "con mồi" thực hiện những giao dịch chuyển khoản rồi chiếm đoạt tài sản; cử người rút tiền từ tài khoản ngân hàng đã thuê.
Những nghi phạm này sau đó cũng đã nộp toàn bộ số tiền đã lừa đảo được cho cảnh sát và bị trừng phạt thích đáng theo quy định của pháp luật Trung Quốc. Từ vụ việc trên, phía cảnh sát cũng cảnh báo các cá nhân, tập thể cần phải có ý thức nâng cao hiểu biết và tỉnh táo để tránh sập bẫy của những kẻ lừa đảo trên không gian mạng.
Trong thời đại 4.0 hiện nay, những kẻ xấu này tung ra rất nhiều thủ đoạn tinh vi hòng thực hiện âm mưu chiếm đoạt tài sản. Do đó, cảnh sát khuyên mọi người tuyệt đối không được cung cấp những thông tin về tài khoản cá nhân cho người lạ trên không gian mạng. Đồng thời khi phát hiện các dấu hiệu lừa đảo, cần nhanh chóng trình báo cơ quan công an để xác minh, kịp thời xử lý vụ việc, ngăn chặn hành vi phạm tội.
(Theo Sina)