Theo thống kê hiện nay, mỗi năm trên toàn cầu sản xuất hơn 25 triệu tấn bao bì polystyrene (nhựa dẻo) dùng một lần, tuy nhiên chỉ một phần nhỏ trong số đó được tái chế, trong khi phần lớn còn lại sẽ bị chôn lấp sau khi sử dụng và gây hại cho môi trường. Chính vì vậy, nghiên cứu của Đại học RMIT rất đáng quan tâm.
Phương pháp mà các nhà nghiên cứu thực hiện là tái chế polystyrene một cách sáng tạo với khả năng chuyển đổi tĩnh điện của nó thành năng lượng có thể sử dụng. Phát minh này bao gồm việc chế tạo các tấm mỏng được tạo ra từ nhiều lớp polystyrene, mỗi lớp có độ dày chỉ bằng một phần mười sợi tóc của con người.
Khi không khí đưa qua các tấm mỏng này, tĩnh điện được tạo ra và có thể thu thập để sử dụng. Các thử nghiệm trong phòng thí nghiệm cho thấy các tấm mỏng này có khả năng tạo ra điện áp lên đến 230V, tương đương với mức điện năng thông thường mà các hộ gia đình sử dụng, mặc dù công suất tổng thể thấp hơn.
Các nhà nghiên cứu cho biết, nếu đưa luồng khí nhanh và hỗn loạn có thể làm tăng điện áp, trong khi việc tăng số lượng lớp polystyrene cũng có thể mở rộng khả năng thu năng lượng. Theo các nhà nghiên cứu, sau khi thử nghiệm với nhiều loại nhựa dùng một lần khác, polystyrene vẫn là ứng cử viên hàng đầu cho công nghệ tái chế dựa trên kết quả mà họ đã thử nghiệm.
Các nhà nghiên cứu cũng tìm ra giải pháp giúp cải thiện mức điện áp.
Theo RMIT, chính những đặc tính bền bỉ và khả năng phân hủy chậm của một loại vật liệu như polystyrene có thể giúp các thiết bị phát điện hoạt động đáng tin cậy trong thời gian dài mà không bị hư hại. Dựa trên kết quả cho thấy, việc tích hợp các “máy phát điện” này vào hệ thống máy điều hòa không khí có thể giảm mức tiêu thụ năng lượng lên tới 5%.
Họ cũng nhấn mạnh rằng các không gian công cộng như lối đi ngầm có thể tận dụng các nhiễu loạn không khí ngẫu nhiên để sản xuất điện, từ đó hỗ trợ lưới điện địa phương. Nhà nghiên cứu chính tại RMIT, tiến sĩ Peter Sherrell, cho biết: “Chúng tôi đã tìm ra cách để các thành phần bên trong của polystyrene tái tạo cọ xát vào nhau theo cách có kiểm soát và khiến tất cả các điện tích kéo theo cùng một hướng để tạo ra điện”.
Nhóm nghiên cứu đang hướng đến mục tiêu thương mại hóa công nghệ mà họ vừa phát triển.
Sau khi phát triển thành công công nghệ này và nộp đơn xin cấp bằng sáng chế tạm thời, nhóm nghiên cứu RMIT hiện đang tìm kiếm các đối tác thương mại để công nghiệp hóa và mở rộng quy mô ứng dụng. Toàn bộ nghiên cứu có thể được tìm thấy trong tạp chí khoa học Advanced Energy and Sustainability Research.