Lý do nào cho sự thay đổi này, và liệu thời lượng pin tai nghe có thể kéo dài được hay không? Để tìm hiểu vấn đề, phó giáo sư Yijin Liu thuộc Trường Kỹ thuật Cockrell (Mỹ) đã quyết định thực hiện một dự án nghiên cứu để tìm hiểu nguyên nhân.
Liu chia sẻ: “Điều này bắt đầu từ trải nghiệm cá nhân của tôi với tai nghe. Sau 2 năm sử dụng, tôi nhận thấy tai nghe bên trái có thời lượng pin dài hơn nhiều so với bên phải”.
Nhóm nghiên cứu của Liu đã sử dụng công nghệ hiện đại, bao gồm hình ảnh hồng ngoại từ Nhóm nghiên cứu hỏa hoạn và công nghệ tia X của Đại học Texas. Họ đã phát hiện ra những chi tiết bên trong thiết bị mà trước đây chưa được chú ý.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, pin không phải là thành phần duy nhất ảnh hưởng đến hiệu suất của tai nghe. Các yếu tố khác như ăng-ten Bluetooth, micrô và mạch điện cũng tương tác với nhau, tạo ra những kiểu nhiệt kỳ lạ có thể làm hỏng pin tai nghe theo thời gian. Guannan Qian, một trong những thành viên trong nhóm nghiên cứu, cho biết: “Sử dụng các thiết bị khác nhau sẽ thay đổi cách pin hoạt động và thực hiện”.
Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng thói quen sử dụng và sạc pin của mỗi người có thể ảnh hưởng đến thời gian sử dụng pin. Qian nhấn mạnh: “Mỗi người có phong cách sử dụng khác nhau, và tất cả những điều này đều quan trọng”. Tuy nhiên, các nhà phát triển và nhà sản xuất thường chỉ thử nghiệm thiết bị trong điều kiện phòng thí nghiệm, điều này không phản ánh đúng thực tế sử dụng hàng ngày.
Mặc dù thời gian sử dụng pin sẽ giảm dần theo thời gian, nghiên cứu này mở ra cơ hội để cải thiện quy trình sản xuất và thử nghiệm pin trong tương lai. Huang, nhà vật lý tại Phòng thí nghiệm quốc gia Brookhaven, cho biết: “Chúng ta cần hiểu rõ sự khác biệt giữa điều kiện phòng thí nghiệm và thực tế để có thể phát triển các loại pin mới hiệu quả hơn”.
Với những phát hiện này, các nhà khoa học hy vọng rằng chúng ta sẽ có những cải tiến đáng kể trong công nghệ pin để từ đó mang lại trải nghiệm tốt hơn cho người tiêu dùng.