Một nhóm các nhà khoa học quốc tế, bao gồm các nhà khoa học Úc vừa phát triển thành công một loại pin lithium-lưu huỳnh (Li-S) mới có thể cung cấp đủ năng lượng cho smartphone hoạt động liên tục trong 5 ngày, hoặc đủ điện cho một chiếc xe điện đi được hơn 1 ngàn km trước khi phải sạc lại.
Theo đó, loại pin được mô tả là Li-S sở hữu dung lượng cực cao và có hiệu suất tốt hơn, ít tác động đến môi trường hơn các sản phẩm pin Li-Ion hiện tại. Đây hứa hẹn sẽ là một dấu mốc quan trọng đối với ngành công nghiệp pin. Bởi lẽ pin tác động đến mọi thứ từ điện tử tiêu dùng đến năng lượng mặt trời.
Bằng cách sử dụng các vật liệu tương tự như pin Li-Ion truyền thống, các nhà nghiên cứu đã thay đổi thiết kế của catốt lưu huỳnh sao cho chúng có thể chịu được sức tải cao hơn mà không làm giảm công suất hoặc hiệu suất tổng thể.
Lấy cảm hứng từ công nghệ từng được ứng dụng để xử lý bột giặt vào những năm 1970, nhóm nghiên cứu đã thử nghiệm phương pháp liên kết giữa các hạt phần tử để điều chỉnh ứng suất và tạo sự ổn định cho pin.
Matthew Hill, phó giáo sư tại Đại học Monash cho biết: "Cách tiếp cận này không chỉ mang tới hiệu suất cao, tuổi thọ lâu dài mà còn rất đơn giản, chi phí thấp. Hơn nữa quy trình mới này còn giúp giảm đáng kể chất thải nguy hại cho môi trường".
Tuy nhiên theo Mahdokht Shaibani, trưởng nhóm nghiên cứu của dự án đang làm việc tại Đại học Monash cho biết, quá trình thương mại hóa loại pin mới này sẽ mất từ 2-4 năm tới. Hiện tại bằng sáng chế cho quá trình sản xuất loại pin này đã được cấp.
Các cell pin Li-S đầu tiên đã được phát triển và thử nghiệm tại Đức. Trong tương lai, nhóm nghiên cứu muốn thử nghiệm pin trên xe hơi và mạng lưới năng lượng mặt trời.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Science Advances.
Tham khảo CGTN