Ngủ trong khi TV vẫn mở: Thói quen tưởng vô hại nhưng tiềm ẩn nhiều nguy cơ mắc các bệnh

Nhiều người có thói quen với việc ngủ để TV mở nhằm ngăn chặn những âm thanh khác hoặc khiến họ thoát khỏi suy nghĩ hay cảm giác lo lắng. Tuy nhiên nhiều chuyên gia và các nghiên cứu đã chứng minh thói quen này ảnh hưởng rất lớn đến sức khoẻ của bạn.

Ngủ khi có ánh sáng xung quanh ảnh hưởng đến sức khỏe như thế nào?

Được đăng tải trên CNN và New York Post, nghiên cứu của Northwestern University School of Medicine đã kiểm tra tác động ánh sáng xung quanh khi đang ngủ đối với sức khỏe của 552 người trong độ tuổi từ 63-84. Kết quả cho thấy những người ngủ với ánh sáng xung quanh có nhiều khả năng mắc các vấn đề như tiểu đường, béo phì hay huyết áp cao.

Dữ liệu cho thấy những người ngủ quên trong điều kiện có ánh sáng yếu như TV nhiều khả năng cơ thể phát triển tình trạng kháng insulin vào buổi sáng. Theo American Family Physician, kháng insulin là tình trạng các tế bào trong cơ, mỡ và gan không phản ứng đúng với insulin. Điều này có dẫn đến bệnh tiểu đường loại 2, huyết áp cao và bệnh tim mạch.

Nghiên cứu cho thấy 17,8% đối tượng ngủ khi có ánh sáng xung quanh vào ban đêm dễ mắc bệnh tiểu đường, trong khi đó chỉ có khoảng 9,8% người ngủ trong bóng tối có nguy cơ. Ngoài ra 40,7% người ngủ khi có ánh sáng xung quanh dễ bị béo phì và chỉ khoảng 26,7% những người ngủ trong bóng tối có thể mắc căn bệnh này.

Ngủ trong khi TV vẫn mở: Thói quen tưởng vô hại nhưng tiềm ẩn nhiều nguy cơ mắc các bệnh - Ảnh 1.

Nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng những người chìm vào giấc ngủ khi có ánh sáng xung quanh có nhiều khả năng thức dậy muộn hơn và cần ngủ bù vào ngày hôm sau. Mark Burhenne, tác giả của Nghịch lý giấc ngủ 8 giờ, nói rằng trong giai đoạn ngủ trước khi ngủ sâu, bộ não nhận thức được giọng nói và có thể phản ứng với chúng. Ông Mark Burhenne nói: "Trong những giấc mơ xảy ra trong giấc ngủ sâu, âm thanh thậm chí có thể ảnh hưởng đến những gì bạn mơ". Burhenne cũng đề cập đến ánh sáng xanh phát ra từ TV như một nhược điểm khác, vì đó là tín hiệu cho não bộ tỉnh táo, ngăn ta chìm vào giấc ngủ sâu, theo Lifehacker.

Tạp chí về sức khỏe của Hoa Kỳ Healthline cũng nhận định chúng ta không nên bật TV khi ngủ bởi cơ thể sẽ sản xuất ít melatonin hơn - loại hormone đưa chúng ta dễ ngủ hơn.

Một nghiên cứu khác được đăng trên tờ JAMA Internal Medicine, do Viện Sức khỏe Quốc gia Mỹ tiến hành cũng cho thấy trong 43.733 phụ nữ tuổi 35-74 được khảo sát, những người bật TV khi ngủ có, hơn 17% nguy cơ tăng 5kg, 13% nguy cơ tăng chỉ số BMI thêm 10% hoặc nhiều hơn, 22% nguy cơ bị thừa cân và 33% nguy cơ bị béo phì.

Ngủ trong khi TV vẫn mở: Thói quen tưởng vô hại nhưng tiềm ẩn nhiều nguy cơ mắc các bệnh - Ảnh 2.

Cách đi vào giấc ngủ chỉ trong 2 phút của lính Mỹ

Bí quyết này được giới thiệu trong cuốn sách Relax and Win: Championship Performance (Thư giãn và chiến thắng: Phong độ nhà vô địch) của tác giả Lloyd Bud Winter.

"Những ai tham gia quân đội đều phải học cách ngủ trong nhiều tình huống khắc nghiệt. Trường hải quân Mỹ đã phát triển một phương pháp khoa học có thể giúp bạn ngủ ngày hoặc đêm ở bất kỳ điều kiện nào trong vòng 2 phút", trích dẫn trong cuốn sách.

Theo khảo sát phương pháp này đạt tỷ lệ thành công tới 96% sau 6 tuần thực hiện. Cách này cũng hiệu quả kể cả sau khi bạn uống cà phê hay có tiếng ồn mạnh. Phương pháp được thực hiện như sau:

- Thư giãn các cơ trên khuôn mặt, bao gồm lưỡi, hàm và xung quanh mắt. Bạn không nên nheo mắt hay nhăn nhó trán.

- Buông thõng vai thấp nhất có thể. Tiếp theo là cổ, cánh tay trên và cẳng tay dưới, lần lượt mỗi bên.

- Hít thở thật sâu để thư giãn ngực. Tiếp đến là đùi và đôi chân để toàn bộ cơ thể được thư giãn.

- Sau đó, bạn nên dành 10 giây để xóa bỏ những suy nghĩ trong tâm trí. Để làm được điều này, tác giả Lloyd Bud Winter đã gợi ý 3 cách sau:

- Hãy tưởng tượng mình đang nằm trên thuyền trôi ở mặt hồ yên tĩnh. Xung quanh không có gì ngoài một bầu trời trong xanh.

- Bạn đang nằm trên một chiếc võng nhung đen tuyền trong một căn phòng tối đen.

- Hãy lặp đi lặp lại câu "đừng nghĩ, đừng nghĩ, đừng nghĩ" với chính mình liên tục trong 10 giây.