Người có tài khoản ngân hàng chú ý: Không nên dùng Wifi công cộng để chuyển khoản, đề phòng bị “hack tiền”

Người dùng không nên sử dụng mạng Wifi công cộng để chuyển khoản qua ứng dụng Online Banking vì tiềm ẩn nguy cơ rò rỉ thông tin bảo mật.
Người có tài khoản ngân hàng chú ý: Không nên dùng Wifi công cộng để chuyển khoản, đề phòng bị “hack tiền”- Ảnh 1.

Sử dụng wifi công cộng tiềm ẩn nhiều rủi ro về bảo mật và an toàn thông tin cá nhân. Bởi lẽ, tin tặc có thể thiết lập mạng wifi giả mạo với tên giống hoặc tương tự các mạng wifi công cộng chính thống. Khi người dùng kết nối vào mạng giả mạo này, tin tặc có thể kiểm soát hoạt động trên mạng, đánh cắp thông tin cá nhân của người dùng và chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng

Ngoài ra, việc kết nối wifi công cộng còn tiềm ẩn nhiều rủi ro khác, cụ thể:

Lưu lượng truy cập không mã hóa: Nếu mạng wifi công cộng không sử dụng mã hóa, tin tặc có thể dễ dàng theo dõi và chặn lưu lượng truy cập giữa thiết bị của người dùng và điểm truy cập wifi, từ đó lấy cắp thông tin cá nhân và dữ liệu quan trọng.

Phần mềm độc hại: Tin tặc có thể tận dụng wifi công cộng để đưa phần mềm độc hại như virus, ransomware hay spyware vào các thiết bị của người dùng.

Sự thiếu bảo mật của các thiết bị khác: Khi kết nối wifi công cộng, người dùng cũng có thể tiếp xúc các thiết bị khác đang kết nối cùng mạng, mà không phải tất cả đều được bảo vệ đầy đủ…

Theo Điều 18 Thông tư 50/2024/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam “Hướng dẫn khách hàng sử dụng dịch vụ Online Banking”, khuyến cáo người dân để đảm bảo an toàn, bảo mật khi thực hiện chuyển khoản bằng các ứng dụng Online Banking không nên sử dụng mạng Wifi công cộng để chuyển khoản.

Đồng thời để đảm bảo an toàn cho tài khoản ngân hàng của mình thì người dùng cần lưu ý nhiều biện pháp bảo mật khác nhau như:

(1) Không nên sử dụng máy tính công cộng để truy cập, thực hiện giao dịch.

(2) Không lưu lại tên đăng nhập và mã khóa bí mật, mã PIN trên các trình duyệt.

(3) Thoát khỏi phần mềm ứng dụng Online Banking khi không sử dụng.

(4) Không cài đặt các phần mềm lạ, phần mềm không có bản quyền, phần mềm không rõ nguồn gốc.

(5) Thông báo ngay cho ngân hàng các trường hợp bị mất, thất lạc, hư hỏng thiết bị tạo OTP, số điện thoại nhận tin nhắn SMS, bị lừa đảo hoặc nghi ngờ bị lừa đảo, bị tin tặc hoặc nghi ngờ bị tin tặc tấn công.

Trong trường hợp cần thực hiện giao dịch trên các ứng dụng Online Banking tốt nhất nên sử dụng kết nối 3G, 4G của điện thoại và cần kiểm tra lại các thông tin kỹ càng trước khi chuyển khoản.

Ngoài ra, người dân cần thường xuyên cập nhật thông tin nhận diện các hình thức lừa đảo trên các cổng thông tin điện tử chính thống để từ đó chủ động phòng tránh.