Hồi tháng 4/2023, cụ ông Đ.T.L. (71 tuổi) nhận được cuộc gọi của một người tự xưng là công an, thông báo rằng ông L. sẽ bị bắt vì dính vào đường dây tội phạm, sau đó đối tượng gọi video call cho ông xem lệnh bắt giam.
Tiếp đó, ông L. nhận được điện thoại qua video của một người đàn ông tự xưng là "Cục trưởng" thuộc Bộ Công an, cho biết do liên quan đến vụ án kinh tế nên cần xác minh tài khoản ngân hàng, yêu cầu nạn nhân kê khai và chuyển tiền.
Lo sợ, ông L. chuyển 6 tỷ đồng vào số tài khoản theo hướng dẫn. "Cục trưởng" giả mạo này tiếp tục gọi điện yêu cầu ông L. đi mua điện thoại, sim mới đăng ký với ngân hàng và không được kể với người thân trong gia đình.
Đối tượng hướng dẫn ông cài app “Cổng thông tin điện tử Bộ Công an” để khai báo họ tên, căn cước công dân, tài khoản ngân hàng, tên đăng nhập, mật khẩu…
Vài hôm sau, ông L. tiếp tục nhận được điện thoại của người này yêu cầu ra ngân hàng chuyển tiền và nạn nhân đã chuyển hơn 8 tỷ đồng cho kẻ lạ mặt.
Sau đó, ông L. thấy không được hoàn trả tiền nên mới kể lại với gia đình. Ngay lập tức, người thân đưa ông L. ra ngân hàng kiểm tra thì mới biết số tiền 15 tỷ đồng đã được chuyển cho 4 tài khoản khác nhau. Nạn nhân đã trình báo vụ việc cho cơ quan công an.
Dù cơ quan công an đã cảnh báo người dân bằng nhiều hình thức nhưng nhiều người vẫn bị lừa với thủ đoạn tương tự.
Để cảnh giác trước thủ đoạn trên, người dân cần lưu ý khi cơ quan Công an các cấp cần làm việc, xác minh, điều tra với các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp sẽ có cán bộ đến làm việc trực tiếp hoặc có văn bản thông báo, triệu tập gửi trực tiếp, tuyệt đối không làm việc thông qua điện thoại và mạng xã hội.
Đồng thời, người dân tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, số chứng minh thư (căn cước công dân), địa chỉ nhà ở, số tài khoản ngân hàng, mã OTP trên điện thoại cá nhân... cho bất kỳ ai không quen biết hoặc khi chưa biết rõ nhân thân, lai lịch.