Người dùng nhận nhiều tin nhắn lừa đảo giả mạo Vietcombank

Tình trạng các đầu số ngân hàng xuất hiện tin nhắn lừa đảo đã diễn ra khá lâu nhưng vẫn chưa có cách xử lý triệt để. Lần này đến lượt Vietcombank.

Những ngày gần đây, hàng loạt người dùng Vietcombank nhận được tin nhắn với nội dung "Vietcombank tran trong thong bao, tai khoan cua quy khach hien tai da bi khoa. Dang nhap https://vevietcombankos.cc de xac thuc ngay hom nay".

Trong một bài post trên một group Facebook, vấn đề này đã thu hút hơn 1K react, 1K1 lượt bình luận và 69 lượt chia sẻ.

Theo chia sẻ thì rất nhiều người đã nhận được tin nhắn với nội dung như trên, thậm chí có nhiều người đã bị mất số tiền lên tới vài chục triệu đồng khi click vào link, có người may mắn hơn thì khi click vào link đã không còn hoạt động. Những tin nhắn giả mạo đến từ đầu số ngân hàng Vietcombank được gửi ngẫu nhiên, và thậm chí cả người không có tài khoản ở Vietcombank cũng nhận được tin nhắn.

Người dùng nhận nhiều tin nhắn lừa đảo giả mạo Vietcombank - Ảnh 1.

Tin nhắn giả mạo đến từ đầu số của ngân hàng Vietcombank

Người dùng nhận nhiều tin nhắn lừa đảo giả mạo Vietcombank - Ảnh 2.

Thậm chí, những người không dùng Vietcombank cũng bị nhắn tin đến

Chiêu trò lừa đảo này không hề mới, cách đây không lâu đã có rất nhiều người dùng chia sẻ về việc các đầu số ngân hàng như ACB, Sacombank... nhận được tin nhắn có nội dung rằng: "Chung toi phat hien tai khoan cua ban dang tieu dung o nuoc ngoai. Neu khong phai ban dang tieu dung vui long nhap vào https://vn-'tên ngân hàng'.com de huy thanh toan".

Người dùng nhận nhiều tin nhắn lừa đảo giả mạo Vietcombank - Ảnh 3.

Ngân hàng Sacombank cũng gặp trường hợp tương tự

Người dùng nhận nhiều tin nhắn lừa đảo giả mạo Vietcombank - Ảnh 4.

Tin nhắn lừa đảo còn được gom chung vào cùng với tin nhắn thật từ ngân hàng

Thực chất, đây là một chiêu trò lừa đảo tinh vi và cực kì nguy hiểm, bởi những tin nhắn được gửi đến bằng đúng tên ngân hàng mà lẽ ra chỉ có đơn vị sở hữu thương hiệu mới có quyền sử dụng (SMS Brandname) và vì chung một SMS Brandname nên điện thoại sẽ tự động gom chung các tin nhắn lại với nhau khiến người dùng khó phân biệt.

Theo như các chuyên gia về bảo mật thì có thể hacker sử dụng giấy tờ giả, đăng ký một tổng đài khác cũng có tên giống với các ngân hàng ở Việt Nam, được đăng ký tại Việt Nam hoặc nước ngoài để gửi tin nhắn đến người dùng. Lúc này, tin nhắn lừa đảo sẽ được điện thoại gom chung vào một luồng tin nhắn dưới tên ngân hàng, khiến khách hàng không thể phân biệt được đâu là thật, giả.

Tuy ngay sau đó, ngân hàng Vietcombank đã gửi tin nhắn cảnh báo khách hàng không đăng nhập qua các đường link được gửi qua SMS, nhưng cũng đã có rất nhiều khách hàng bị "dính bẫy", số tiền mất ít thì vài trăm nghìn, nhiều thì lên tới cả vài chục triệu đồng.

Người dùng nhận nhiều tin nhắn lừa đảo giả mạo Vietcombank - Ảnh 5.
Người dùng nhận nhiều tin nhắn lừa đảo giả mạo Vietcombank - Ảnh 6.

Tuy nhiên, tình trạng giả mạo SMS Brandname đã diễn ra từ tận tháng 2/2021 và đã được báo đài hay các ngân hàng cảnh báo rất nhiều lần nhưng vẫn còn rất nhiều khách hàng nhẹ dạ cả tin mà mất tiền. Nhưng tình trạng giả mạo này đã diễn ra quá lâu mà hiện tại các ngân hàng vẫn chưa tìm được cách khắc phục triệt để.