Nếu từng đọc "Cha giàu, cha nghèo" của Robert Kiyosaki, bạn chắc chắn sẽ nhận ra sự khác biệt về tư duy và hành động của người giàu trong nhiều vấn đề của cuộc sống. Chính cha đẻ của cuốn sách này cũng từng chia sẻ: "Lý do khiến người cha nghèo của tôi nghèo không phải là số tiền ông kiếm được mà là cách ông suy nghĩ và hành xử".
Lấy một ví dụ đơn giản cho việc "người giàu và người nghèo cùng mua xe", bạn sẽ nhận ra sự khác biệt này chính lý do khiến khiến người giàu càng thêm giàu, còn người nghèo thì ngược lại.
Người nghèo mua xe cần độ bền, người giàu mua xe cần đẳng cấp
Mục đích mua xe của người giàu thường không chỉ dừng lại ở việc di chuyển hàng ngày mà còn để thể hiện đẳng cấp và vị thế trong xã hội. Có thể thấy, họ thường lựa chọn những thương hiệu danh tiếng như Porsche, Mercedes hay Lamborghini, bởi đối với họ, ô tô hơn cả một phương tiện di chuyển, nó còn như một món đồ trang sức, một biểu tượng của sự giàu có.
Với tư cách một giám đốc công ty đi đàm phán ký kết hợp đồng, việc bạn ngồi lên chiếc xe gì có thể ảnh hưởng đến kết quả của cuộc đàm phán kinh doanh. Nếu nó là một chiếc xe đắt đỏ, hút mọi ánh nhìn thì nó cũng đang góp phần giúp bạn thể hiện được giá trị của mình trong mắt đối tác.
Ngược lại, đối với người bình thường, việc chọn mua một chiếc xe giá rẻ, bền bỉ và tiết kiệm nhiên liệu là yếu tố quan trọng hơn cả. Họ không quá quan trọng trong việc chiếc xe phải thuộc nhãn hiệu xe sang nào. Với họ, giá cả là yếu tố quyết định, thậm chí họ sẵn sàng đợi đến khi đủ khả năng tài chính hoặc chọn mẫu xe rẻ hơn.
Người giàu mua xe để kiếm tiền, người nghèo mua xe sợ tiêu tiền
Về giá trị sử dụng, người giàu không chỉ xem xét đến chức năng cơ bản của ô tô như một phương tiện đi lại mà còn cực kỳ quan tâm để trải nghiệm và an toàn. Họ luôn muốn có một chiếc xe thoải mái nhất, an toàn tối đa để tận hưởng thay vì quá đặt nặng về tiền bạc. Nhưng không đồng nghĩa là họ bỏ qua giá trị kinh doanh và giá trị thương mại của chiếc xế hộp sang trọng này. Họ sẽ không chỉ mua nó như một món tiêu sản xa xỉ mà sẽ dùng nó như một cách để kinh doanh, thương mại, đóng góp cho sự nghiệp.
Ngược lại với người giàu, những người bình thường cân nhắc rất kỹ lưỡng. Họ sẽ phải tiêu tốn tiền bạc cho những vấn đề liên quan như đến chi phí vận hành, nhiên liệu, phí bảo dưỡng xe... Nếu mua một chiếc ô tô mà không có tính thiết thực hoặc không thể tạo ra lợi ích cho cuộc sống thì rất có thể những người nghèo sẽ không chọn mua nó.
Người giàu mua xe chọn thương hiệu, người nghèo mua xe xem giá cả!
Khi những người có thu nhập thấp tính toán mua xe, họ thường xem xét giá cả đầu tiên, lựa chọn một số mẫu xe phù hợp với ngân sách của mình rồi mới bắt đầu so sánh cụ thể từng loại. Đối với họ, giá cả là thông tin tham khảo cần thiết và có ảnh hưởng lớn tới quyết định mua hàng. Nếu giá xe nằm ngoài khả năng chi trả của họ, họ có thể sẽ bỏ qua ý định mua xe hoặc cân nhắc chuyển sang loại xe rẻ hơn. Thật vậy, dù việc sở hữu một chiếc xe đã là một khoản đầu tư lớn, nhưng ngay cả khi chênh lệch giữa hai mẫu xe không quá 10 đến 20 triệu đồng, họ vẫn sẽ phải suy nghĩ kỹ lưỡng và không ít lần họ quyết định chọn mẫu xe có giá thấp hơn.
Còn với người giàu, tiêu chí hàng đầu của họ khi mua xe là thương hiệu. Miễn là xe thuộc hãng uy tín, đẳng cấp và tạo được ấn tượng mạnh mẽ khi xuất hiện ngoài đường là họ đã hài lòng. Không thể phủ nhận một số người có xu hướng tiêu xài hơi xa xỉ, nhưng đối với đa số họ, xe còn là công cụ quan trọng trong việc xây dựng và duy trì mối quan hệ xã hội.
Tuy nhiên, nếu bạn có điều kiện kinh tế, bạn cũng nên cho phép mình tận hưởng một lối sống xứng đáng, không cần phải quá tiết kiệm. Bởi lẽ, việc mở rộng mạng lưới quan hệ xã hội có thể mang lại nhiều lợi ích và việc sở hữu một chiếc xe hạng sang có thể làm điều đó trở nên dễ dàng hơn.
Cuối cùng, lựa chọn ô tô không chỉ là một quyết định cá nhân đơn thuần mà còn phản ánh phong cách sống, cách tiếp cận và quản lý tài chính, đồng thời cũng là cách thức mà mỗi người chúng ta thể hiện giá trị và vị thế của mình trong xã hội.