Đêm mai (ngày 26/5), hiện tượng siêu trăng và nguyệt thực toàn phần sẽ diễn ra cùng lúc. Đây là một sự trùng hợp rất đáng mong chờ, đặc biệt hiện tượng nguyệt thực toàn phần lần đầu tiên trở lại kể từ tháng 1/2019.
Hiện nay, giới thiên văn còn có những định nghĩa khác nhau về siêu trăng. Nó được cho là xảy ra khi trăng tròn đúng thời điểm gần Trái Đất nhất trên quỹ đạo hình eclip của nó. Đêm 26/5, tâm của Mặt Trăng sẽ cách tâm Trái Đất 357.462km, gần hơn khoảng 48.000km so với trăng tròn xa nhất trong năm (sẽ xảy ra vào tháng 12/2021).
Còn hiện tượng nguyệt thực toàn phần chỉ có thể diễn ra khi mặt trăng tròn vì khi đó Trái Đất phải ở ngay giữa Mặt Trời và Mặt Trăng. Khi Mặt Trăng nằm hoàn toàn vào phần bóng của Trái Đất, nó sẽ chuyển sang màu đỏ tạo nên vẻ đẹp trông có vẻ "siêu nhiên" hay còn gọi là "trăng máu".
Hình ảnh siêu trăng lớn nhất trong 68 năm tại Việt Nam diễn ra năm 2016. (Ảnh: Ngọc Phạm)
Người dân ở các bờ biển phía tây châu Mỹ, các bờ biển phía đông châu Á (trong đó có Việt Nam) và các vùng ở Thái Bình Dương sẽ quan sát được rõ nhất hiện tượng này. Chắc chắn chúng ta không thể nhìn thấy nguyệt thực từ châu Phi và châu Âu, mặc dù siêu trăng vẫn diễn ra ở các nơi này.
Tại Việt Nam, theo anh Đặng Tuấn Duy - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Thiên văn học TP.HCM (HAAC), do pha nguyệt thực toàn phần diễn ra chưa tới 10 phút mà lại xảy ra khi Mặt Trăng vừa mọc ở đường chân trời nên có thể người dân sẽ khó nhìn thấy rõ. Để quan sát rõ pha này, người dân phải tìm tới những nơi thật sự vắng, góc nhìn xa rộng về phía đường chân trời như ở biển.
Tại TP.HCM, các pha của hiện tượng nguyệt thực toàn phần vào đêm 26/5 như sau:
- 18h11: Hiện tượng nguyệt thực toàn phần sẽ bắt đầu với Mặt Trăng hoàn toàn màu đỏ.
- 18h18: Nguyệt thực toàn phần cực đại.
- 18h25: Nguyệt thực toàn phần kết thúc.
- 19h52: Nguyệt thực một phần kết thúc.
- 20h49: Nguyệt thực nửa tối kết thúc.
* Người dân có thể quan sát hiện tượng thiên văn kỳ thú này bằng mắt thường, và nên chọn những nơi thoáng, cao, ít ánh đèn.