Nguyên nhân nào khiến tín hiệu học trực tuyến cứ "rớt lên, rớt xuống"?

Có những khách hàng nâng gói Internet cáp quang lên trên 100Mbps cũng không tránh khỏi sự chật vật khi học trực tuyến, do đâu?

Do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nhiều tỉnh, thành phố đã triển khai dạy và học trực tuyến cho hàng triệu học sinh trong năm học mới 2021 - 2022. Tuy nhiên, những ngày học đầu tiên đã xảy ra tình trạng “nghẽn mạng”, khó đăng nhập vào phần mềm học tập, có học sinh đang học thì bị “rớt”, “văng” ra khỏi lớp học trực tuyến, chủ yếu với ứng dụng Zoom.

Đường truyền Internet quốc tế

Trước thực tế này, nhiều người cho rằng, nguyên nhân là do đường truyền Internet cáp quang đến từ các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông trong nước. Tuy nhiên, ngoài đường truyền Internet (gồm trong nước và quốc tế), chất lượng buổi học còn liên quan tới khả năng đáp ứng của ứng dụng học trực tuyến đó và máy chủ mà ứng dụng đang sử dụng,...

Hiện nay, nhiều ứng dụng học trực tuyến phổ biến tại Việt Nam đang sử dụng máy chủ (server) nước ngoài và do các đơn vị quốc tế quản lý, chẳng hạn người dùng truy cập ứng dụng Zoom từ Việt Nam thường sẽ được kết nối tới máy chủ ở Singapore. Khi đó, tín hiệu kết nối rất phụ thuộc vào đường truyền từ người dùng cuối đến server đặt ở bên ngoài lãnh thổ Việt Nam. Mỗi gói tin được truyền tải phải đi qua nhiều chặng cáp quang đất liền và cáp quang biển xuyên quốc gia.

Các nhà cung cấp dịch vụ Internet của Việt Nam đều có những cam kết về chất lượng dịch vụ với khách hàng, song tốc độ Internet quốc tế thường không thể cam kết hoặc cam kết ở mức rất nhỏ so với tốc độ truy cập Internet trong nước (có thể chỉ 2Mbps quốc tế cho gói 300Mbps trong nước). Trường hợp cáp quang biển AAG và AAE-1 cùng gặp sự cố như hiện tại, họ lập tức định tuyến sang các hướng dự phòng, nhưng tình trạng "load mãi không xong" vẫn có thể xảy ra.

Nguyên nhân nào khiến tín hiệu học trực tuyến cứ "rớt lên, rớt xuống"? - 3

2 tuyến cáp quang biển AAG và AAE-1 gặp sự cố cùng lúc trong giai đoạn cao điểm học trực tuyến tại Việt Nam. (Ảnh minh họa)

Khả năng đáp ứng của dịch vụ học trực tuyến

Bên cạnh đó, phải nhắc tới nhu cầu tăng đột biến của người dùng Internet ở Việt Nam vào một dịch vụ cụ thể ngay trong cùng một thời điểm. Theo VNPT, lưu lượng người dùng truy cập Internet để học trực tuyến có thời điểm tăng gấp 4 lần thông thường. Còn với FPT Telecom, con số này tăng khoảng 2 - 3 lần. Cả hai đều đã định tuyến ưu tiên cho các luồng dữ liệu truy cập dịch vụ học trực tuyến: Zoom, Google Meet, Webex, On Meeting,... để đảm bảo chất lượng dịch vụ.

Dù cho tín hiệu đường truyền Internet đảm bảo ổn định như công bố của nhà mạng, nếu máy chủ dịch vụ của ứng dụng học trực tuyến không được đơn vị quản lý phân bổ đủ tài nguyên thì cũng dễ khiến luồng truy vấn từ các thiết bị của người dùng phải nằm ở một "nút thắt cổ chai". Kết quả, có người vượt qua được "nút thắt" này, nhưng nhiều người khác nhận phải thông báo quá tải, thử lại sau và "n" lỗi khác.

Điều này lý giải cho việc tại sao cùng một thiết bị, một đường truyền Internet, nhưng một người không thể vào lớp học trực tuyến sử dụng ứng dụng của nước ngoài (ví dụ Zoom), nhưng lại trơn tru khi vào ứng dụng học trực tuyến của Việt Nam (như VNPT E-Learning, On Meeting của FPT Telecom) hay các dịch vụ quốc tế nổi tiếng với máy chủ "khủng" (như Google Meet, YouTube, Netflix,...).

Trên lý thuyết, ngay cả với gói Internet cáp quang thấp nhất (khoảng 20 - 30Mbps), việc có nhiều máy tính, smartphone cùng kết nối để học online là hoàn toàn đáp ứng được. Thế nhưng, có những khách hàng cho biết, họ nâng gói Internet cáp quang lên trên 100Mbps cũng không tránh khỏi sự chật vật khi học trực tuyến. Điều này càng đặt dấu chấm hỏi lớn cho chất lượng của dịch vụ học trực tuyến có máy ở nước ngoài.

"Chữa cháy" hay tìm giải pháp mới?

Khi sử dụng các ứng dụng, dịch vụ học tập trực tuyến có máy chủ đặt ở nước ngoài, người dùng nên tìm hiểu kỹ các cam kết chất lượng. Sự khác biệt giữa việc dùng miễn phí hay có phí cũng rất có thể ảnh hưởng tới chất lượng dịch vụ. Trường hợp mua gói trả phí, người dùng cần tìm hiểu rõ pháp nhân tại Việt Nam để khi gặp sự cố còn có hướng xử lý kịp thời.

Với tình cảnh hiện nay, thay vì nâng cấp đường truyền hay tìm cách "chữa cháy" để truy cập các dịch vụ quốc tế, thì giải pháp tình thế nên là sử dụng các dịch vụ học trực tuyến trong nước. Chẳng hạn, VNPT có cung cấp giải pháp học trực tuyến với hệ sinh thái hoàn chỉnh vnEdu (VNPT E-Learning); hay FPT Telecom có bộ giải pháp On Meeting. Cùng với đó, Việt Nam hiện đang có nhiều kênh học tập giúp khái quát nội dung bài giảng theo phương thức khoa học như ứng dụng Kiến Guru, Tâm Trí Lực (có trên iOS và Android), các kênh khoa giáo của VTV, HTV,...