Ảnh hưởng về môi trường của việc “đào” tiền mã hóa, đặc biệt là Bitcoin, vẫn đang là chủ đề được tranh luận và bàn cãi không ngừng nghỉ, giữa một bên là những người tham gia và ủng hộ thế giới tiền mã hóa và một bên là các nhà hoạt động bảo vệ môi trường cùng những người muốn quản lý chặt loại tiền này.
Tuy nhiên, thực tế không thể bàn cãi là đi kèm với sự phát triển của thị trường Bitcoin, năng lượng tiêu tốn để khai thác và giao dịch loại tiền này ngày càng tăng cao. Điều này đã dẫn đến việc nhiều công ty và tổ chức đào Bitcoin phải tìm kiếm nguồn năng lượng rẻ tiền, thậm chí sử dụng nhà máy phát điện cũ chỉ để đào Bitcoin.
Nhà máy điện “tranh thủ” đào Bitcoin
Tại Mechanicville, bang New York (Mỹ), một nhà máy thủy điện vận hành từ năm 1898 hiện đang được sử dụng một phần để đào Bitcoin, theo Albany Times Union.
Jim Besha, CEO của Albany Engineering Corp. - đơn vị vận hành nhà máy này, nói rằng sử dụng điện nhà máy phát ra để đào Bitcoin đem lại lợi nhuận lớn hơn so với bán điện vào lưới quốc gia.
Tuy nhiên, ông Besha cũng nói rằng nhà máy chỉ đào Bitcoin làm thu nhập phụ trợ, sử dụng máy tính đã qua sử dụng nhằm giảm giá thành và bán Bitcoin ngay sau khi đào được vì giá trị bất ổn của đồng tiền này.
Trong khi đó, ở Dresden, cũng thuộc bang New York, Greenidge Generation lại vận hành một nhà máy nhiệt điện công suất 106 MW sử dụng khí đốt để sản xuất điện đào Bitcoin, cộng với bán cho lưới điện của bang. Cụ thể, 44 MW mà nhà máy sản xuất sẽ được sử dụng cho khoảng 15.300 dàn máy tính đào Bitcoin; lượng điện này đủ để cấp cho hơn 35.000 ngôi nhà, theo AP News.
Nhà máy của Greenidge vốn sử dụng than làm nhiên liệu phát điện. Tuy nhiên, Greenidge đã cải tạo lại nhà máy để sử dụng khí đốt vào năm 2017 và bắt đầu đào Bitcoin vào năm 2020. Công ty này cũng đảm bảo trên trang chủ của mình rằng hoạt động đào Bitcoin là hoàn toàn trung tính về carbon ngay cả khi sử dụng nhà máy nhiệt điện, do công ty đã đầu tư vào tín dụng bù đắp carbon trong toàn bộ hoạt động của mình.
Hệ thống đào Bitcoin của Greenidge Generation. Ảnh: Greenidge Generation
Trong thời gian gần đây, khi chiến dịch trấn áp hoạt động đào và giao dịch tiền mã hóa của Chính phủ Trung Quốc đã làm nước này gần như biến mất khỏi bản đồ Bitcoin thế giới, các công ty và "thợ đào" tiền ảo lũ lượt tìm kiếm những nơi có giá điện rẻ nhằm tiếp tục hoạt động, với điểm đến lý tưởng là Mỹ.
Cuộc chạy đua này đã dẫn đến việc hạ tầng điện ở nhiều nơi trên nước Mỹ phải thích ứng dần với hoạt động đào Bitcoin, cùng với đó là nỗi lo về môi trường ngày càng tăng.
Cái giá phải trả cho Bitcoin
Những người phản đối sự phát triển của Bitcoin và các loại tiền mã hóa khác cho rằng khai thác và giao dịch tiền mã hóa sẽ làm tăng lượng khí thải nhà kính và chất gây ô nhiễm khác từ hoạt động sản xuất điện.
Ở thời điểm hiện tại, toàn bộ mạng lưới Bitcoin tiêu thụ khoảng 104,04 TWh theo Chỉ số Tiêu thụ điện Bitcoin của Cambridge (CBECI). Nếu tính toàn bộ mạng lưới này là một quốc gia, quốc gia này sẽ có mức tiêu thụ điện năng đứng 32-33 thế giới. Hoạt động đào Bitcoin ở các quốc gia ngoài Mỹ cũng làm tăng lo ngại về môi trường khi mà Kazakhstan - một điểm đến khác cho các công ty đào Bitcoin - chủ yếu sử dụng nhiệt điện than để phát điện.
Đào Bitcoin không chỉ gây lo lắng về ảnh hưởng môi trường mà còn có thể trở thành vấn đề đau đầu của cơ quan vận hành và quản lý lưới điện, như trong phóng sự năm 2018 của Politico về những thợ đào Bitcoin tại bang Washington, Mỹ.
Một số nơi ở bang Washington đã trở thành nơi lý tưởng để đào Bitcoin do nguồn điện dồi dào, hạ tầng mạng tốt và nhiều tòa nhà bị bỏ hoang sẵn có để xây dựng hệ thống đào quy mô lớn. Tuy nhiên, hoạt động này cũng tiêu tốn lượng lớn điện tại chỗ, vốn được xuất đi các bang khác nhằm thu lợi cho kinh tế địa phương.
"Benny", một thợ đào tiền mã hóa quy mô cá nhân ở bang Washington, cùng dàn máy đào trong nhà mình. Ảnh: Patrick Cavan Brown/Politico
Thêm vào đó, những thợ đào nhỏ lẻ không đảm bảo an toàn cũng đã gây sự cố nguy hiểm đến lưới điện - một vấn đề không nhỏ cho đội bảo trì lưới điện ở hạt Chelan, Washington. Vào năm 2017, một thợ đào đã gây quá tải máy biến áp ở Chelan, dẫn đến một vụ cháy nhỏ. John Stoll, người đứng đầu đội bảo trì lưới điện, thậm chí còn phải cùng nhân viên của mình “săn lùng” những thợ đào không xin cấp phép và gây nguy hiểm đến lưới điện, hệt như cách cảnh sát săn lùng tội phạm chế biến ma túy.