Theo ông Terushi Shimizu, Giám đốc bộ phận bán dẫn của Sony, đây là năm thứ hai liên tiếp công ty Nhật Bản phải hoạt động xuyên Tết để cố gắng đáp ứng nhu cầu cảm biến máy ảnh trên điện thoại. Gã khổng lồ đang tăng gấp đôi chi phí đầu tư lên 280 tỷ yên trong năm nay và xây nhà máy mới tại Nagasaki, dự kiến mở cửa tháng 4/2021.
Ông Shimizu cho biết ngay cả khi đã đầu tư mở rộng năng lực sản xuất, Sony vẫn không thể đáp ứng nhu cầu. Họ phải xin lỗi khách hàng vì không sản xuất đủ.
Dù thị trường smartphone bão hòa, số lượng camera điện thoại lại ngày một tăng lên. Thông thường, smartphone có từ 2 tới 3, thậm chí 4 cảm biến máy ảnh. Các thiết bị mới nhất của Samsung, Huawei có thể chụp ảnh góc siêu rộng và trang bị cảm biến chiều sâu. Apple vừa nhập cuộc với iPhone 11 ba camera. Đó là lý do vì sao doanh số cảm biến máy ảnh của Sony tiếp tục bùng nổ.
Masahiro Wakasugi, nhà phân tích của Bloomberg, nhận xét camera là điểm khác biệt lớn nhất giữa các thương hiệu điện thoại và mọi người đều muốn ảnh, video đăng trên mạng xã hội phải thật đẹp.
Bán dẫn hiện là mảng kinh doanh có lãi thứ hai của Sony sau máy chơi game PlayStation. Hồi tháng 10, công ty nâng triển vọng lợi nhuận bộ phận chip lên 200 tỷ yên sau khi lợi nhuận quý hai tăng gần 60%. Sony dự báo doanh thu từ bộ phận bán dẫn sẽ tăng 18% lên 1,04 nghìn tỷ yên, trong đó cảm biến hình ảnh chiếm 86%.
Công ty đã lên kế hoạch đầu tư khoảng 700 tỷ yên (6,4 tỷ USD) trong 3 năm (kết thúc tháng 3/2021). Phần lớn chi phí nhằm tăng cường sản lượng cảm biến máy ảnh lên 138.000 từ 109.000 đơn vị hiện tại. Samsung, đối thủ lớn nhất của Sony trong lĩnh vực này, cũng thông báo tăng năng suất nhằm đáp ứng nhu cầu mạnh và ổn định trong thời gian tới.
Tháng 5, Sony cho biết họ chiếm 51% thị phần cảm biến hình ảnh xét theo doanh thu và muốn tăng lên 60% trong năm tài khóa 2025.
Cảm biến ảnh được phát minh tại phòng thí nghiệm Bell Laboratories. Tuy nhiên, Sony mới là công ty thành công trong việc thương mại hóa sản phẩm. Công ty đang phát triển thế hệ cảm biến mới có thể nhìn thế giới ba chiều bằng phương pháp ToF. Nó sử dụng tia laser phát ra ánh sáng hồng ngoại, chiếu tới bất cứ vật thể hoặc người nào ở phía trước máy ảnh và phản xạ trở lại cảm biến. Khoảng thời gian ánh sáng cần để phản xạ lại sẽ được tính toán và chuyển thành thông tin về khoảng cách có thể sử dụng để tạo bản đồ chiều sâu. Điều đó giúp máy ảnh điện thoại chụp ảnh chân dung tốt hơn vì lựa chọn chính xác phần hậu cảnh cần làm mờ và cũng có thể ứng dụng trong game di động.
Samsung và Huawei đã giới thiệu flagship dùng cảm biến 3D, trong khi đó Apple được đồn sẽ đưa camera 3D lên iPhone 2020. Ông Shimizu từ chối bình luận về các khách hàng của mình nhưng nói rằng Sony đã sẵn sàng đáp ứng nhu cầu dự kiến tăng mạnh vào năm sau. Ông xem 2019 là năm số không của ToF. Một khi chứng kiến các ứng dụng thú vị của công nghệ này, mọi người sẽ có động lực mua điện thoại mới.