Không ai nắm được thông tin
Đến FTX và làm công việc trong mơ, nhưng mọi thứ lại trở thành cơn ác mộng với những nhân viên của công ty này. Wall Street Journal đã thực hiện cuộc phỏng vấn với hơn 10 nhân viên cũ và hiện tại của FTX. Nhiều người trong số đó chia sẻ rằng họ quá bất ngờ trước sự sụp đổ nhanh chóng của FTX và bị sốc khi khách hàng cáo buộc công ty này chiếm dụng vốn.
Với khoảng 300 nhân sự, FTX dường như là cơ hội để họ gặt hái những khoản thù lao ấn tượng tại một trong những công ty tiền số phát triển nhanh nhất thế giới. Bankman-Fried trước đây cam kết quyên góp 1% doanh thu từ phí giao dịch của sàn cho hoạt động từ thiện. Dường như, vị tỷ phú trẻ này đã trở thành hình mẫu vừa có tài vừa có đức trong một ngành đầy rẫy những vụ lừa đảo, gian lận.
Sau đó, công ty tiền số phá sản với tốc độ chóng mặt. Thứ Sáu tuần trước, FTX đã nộp đơn xin phá sản, chỉ 4 ngày sau khi Bankman-Fried chia sẻ trên Twitter rằng FTX vẫn ổn dù có rất nhiều khách hàng rút tiền. Giờ đây, anh đang phải đối mặt với các câu hỏi tại sao FTX cho quỹ đầu tư Alameda Research vay 10 tỷ USD của khách hàng. Vụ phá sản của FTX đã nhận được sự chú ý từ các cơ quan quản lý và hiện được Bộ Tư pháp, SEC cùng hàng chục cơ quan khác liên hệ trong 72 giờ từ lúc đệ đơn.
Ryan Salame - đồng giám đốc điều hành công ty con FTX Digital Markets, đã nói với những người thân cận rằng ông thậm chí đã bị choáng và nôn nao khi biết về các vấn đề của FTX vào đầu tuần trước. Những người này tiết lộ, dù làm việc với Bankman-Fried rất nhiều nhưng Salame lại không phải trong vòng tròn các lãnh đạo thực sự thân tín của doanh nhân trẻ.
Trong khi đó, các nhân viên của FTX phàn nàn rằng họ còn theo dõi tình hình công ty qua Twitter và các phương tiện truyền thông chứ không phải từ đội ngũ quản lý. Ryne Miller - cố vấn của FTX U.S, cho biết: “Tôi nhận được rất ít thông tin và không thể làm được gì nhiều nếu không có sự hợp tác đầy đủ của các nhà sáng lập”.
Một người khác cho biết trong tin nhắn gửi nhân viên trên ứng dụng tin nhắn nội bộ Slack: “Tôi không thấy câu hỏi của ai được trả lời dù có nội dung hợp lý. Các nhân viên phải được tôn trọng và xứng đáng nhận được những điều tốt hơn trong hoàn cảnh này”.
Sau đó, Bankman-Fried đã lên Slack gửi lời xin lỗi đến nhân viên. Anh viết: “Tôi hoàn toàn hiểu rằng đây là thời điểm khó khăn cho tất cả các bạn”.
Trong email gửi WSJ hôm 15/11, Bankman-Fried cho biết: “Trong thời gian xảy ra sự việc, nhiều thông tin nội bộ đã bị phát tán, điều này khiến tôi gặp khó khăn vì chưa sẵn sàng để công khai”.
Đến thời điểm đó, nhiều nhân viên đã rời FTX. Tuần trước, hàng chục người đã nghỉ việc, bao gồm cả những nhân sự cấp cao như giám đốc sản phẩm Rammik Arora, giám đốc pháp chế Dan Friedberg và trưởng bộ phận môi giới khách hàng tổ chức Zane Tackett. Một nhân viên cho biết đã gửi đơn nghỉ việc nhưng sếp của anh lại nói rằng chính ông cũng đã tự nguyện từ chức.
Một người bạn của Friedberg - đã dùng bữa tối với ông vào ngày ông nghỉ việc, cho biết vị luật sư này từng rất ngưỡng mộ Bankman-Fried và trong buổi tối đó ông thực sự đã run rẩy. Friedberg đã cho người bạn này xem tin nhắn mà ông gửi cho Bankman-Fried và cả các giám đốc điều hành khác cũng đệ đơn từ chức. Thậm chí, Friedberg còn nói rằng mình đang rất buồn và nói với nhà sáng lập rằng: “Tôi hy vọng một ngày nào đó tôi sẽ tha thứ cho anh”.
Mất việc, mất cả tiền
“Cú nổ” của FTX đã khiến một số nhân viên mất nhiều tiền. Bên ngoài Mỹ, nhiều nhân viên đã được trả thù lao trực tiếp vào tài khoản trên sàn FTX. Bởi vậy, khi FTX đóng băng hoạt động rút tiền của khách hàng vào tuần trước, thì các nhân viên này cũng không thể lấy lại tiền.
Nathaniel Whittemore - chuyên gia marketing của FTX đã nghỉ việc vào tuần trước, cho hay: “Bạn phải hiểu sự căng thẳng của nhân viên FTX. Họ không chỉ mất việc làm mà còn có thể mất toàn bộ số tiền tiết kiệm. Tôi chỉ có thể nghĩ đến sự giận giữ và bức xúc”.
Nguồn tin thân cận cho biết, việc nhân viên FTX nắm giữ cổ phần của công ty hoặc nhận một phần tiền lương bằng đồng FTT cũng là điều bình thường. Mùa thu năm ngoái, Bankman-Fried đã thông báo cơ hội mua cổ phiếu FTX với mức chiết khấu 50% so với giá mà các nhà đầu tư mạo hiểm mua trong vòng gọi vốn trước đó. Giờ đây, số cổ phần đó là vô giá trị, còn giá đồng FTT giảm 90% kể từ đầu tháng 1.
Tackett thì nói rằng ông đã mất 80% tài sản trong vụ sụp đổ này vì giữ gần như toàn bộ tiền trên FTX.
Cuối tuần trước, chỉ một nhóm nhân sự cốt cán ở lại trụ sở chính của FTX ở Bahamas hỗ trợ Bankman-Fried trong nỗ lực trả nợ cho người dùng.
Năm ngoái, FTX đã chuyển trụ sở từ Hong Kong sang Bahamas và chi tiêu rất “thoáng” cho nhân viên. Các cựu nhân viên tiết lộ, công ty này dành hơn 100.000 USD/tuần cho việc phục vụ ăn uống ở trụ sở chính và hàng triệu USD để các giám đốc điều hành phát triển dự án nhà ở bên bờ biển. Ngoài ra, FTX cũng cho nhân viên dùng xe BMW, Toyota và Honda.
FTX thuê hàng chục nhân sự là người Bahamas, phần lớn là ở bộ phận logistics, tuân thủ quy định và quan hệ hợp tác. Những người này nói rằng họ rất vui mừng vì được đóng góp cho một ngành mới đầy triển vọng ở quốc đảo của mình. Một số nhân viên đến từ nơi này đã chi hàng nghìn USD để mua cổ phần của FTX vào đầu năm nay.
Khi FTX phá sản vào tuần trước, nhiều nhân viên nước ngoài cho biết họ đã rời Bahamas để đến Hong Kong hoặc New York. Những người rời đi sớm hơn có thể đã sử dụng thẻ tín dụng của FTX, còn nhóm đi sau cho biết các thẻ này đã bị từ chối.
Tham khảo WSJ