Theo Reuters, nhân viên ở Lazada đang rất tức giận vì các biện pháp phòng chống Covid-19 của công ty. Họ cho rằng các phương pháp đang dùng - như yêu cầu báo cáo tình hình sức khỏe mỗi ngày - là đang xâm phạm đến đời sống riêng tư. Điều này dấy lên nhiều mâu thuẫn giữa nhân viên của hãng tại Singapore với các nhà quản lý từ Trung Quốc, kể từ thương vụ mua lại của hãng Alibaba vào năm 2016.
Cụ thể từ tháng 2/2020, bộ phận quản lý Lazada tại Singapore đã yêu cầu tất cả nhân viên trả lời vào bảng câu hỏi chi tiết 7 ngày/tuần về tình trạng sức khỏe, và địa điểm họ từng đến gần nhất. Chưa hết, tuy công ty thông báo việc trả lời là không bắt buộc, nhân viên lại bị nhân sự gọi thường xuyên, thậm chí cả vào ngày cuối tuần để "đảm bảo nhân viên phải nộp".
Bên cạnh đó, hãng còn đưa ra yêu cầu cho nhân viên phải đeo khẩu trang tại nơi làm việc, nhưng quy định này lại trái với hướng dẫn của chính quyền sở tại. 5 công nhân, những người đã nói cho phóng viên Reuters về vấn đề này yêu cầu được che giấu danh tính nhằm tránh bị "trả thù".
"Chúng tôi đang bối rối. Nếu họ nghĩ làm việc ở văn phòng là nguy hiểm, vậy sao không yêu cầu chúng tôi làm tại nhà," - một nhân viên bày tỏ.
Tại quốc đảo Sư tử, các biện pháp trên được đánh giá là "hà khắc". Nhưng ở Trung Quốc người dân lại coi đây là điều rất bình thường. Tất cả đều vì mục đích hạn chế tối đa sự lây lan của virus trong cộng đồng. Có điều người Singapore lại coi đây là hành động xâm phạm quyền riêng tư rất lớn.
Ngoài ra, mâu thuẫn này cũng cho thấy được cách thức làm việc của Alibaba đôi khi có lỗ hổng, điều này cản trở rất nhiều đến với tham vọng phát triển ở bên ngoài Trung Quốc. Đồng thời, nó cũng cho thấy được sự căng thẳng về văn hóa có thể xuất hiện bất cứ lúc nào đối với những tập đoàn đa quốc gia, trong lúc họ đang "vật lộn" với bệnh dịch.
"Công ty lấy báo cáo y tế hàng ngày để làm gì? Không ai có thể giải thích được," - một nhân viên chia sẻ.
"Ưu tiên hàng đầu của Lazada là bảo vệ sức khỏe đội ngũ nhân viên và cộng đồng. Cách tiếp cận của chúng tôi phù hợp với các khuyến nghị được chính phủ đưa ra," - Magnus Ekbom, Giám đốc Chiến lược Tập đoàn Lazada nói.
Sự mâu thuẫn, xung đột còn thể hiện qua việc Lazada sử dụng DingTalk. Nhiều người đã nêu lên mối quan ngại về tính riêng tư của họ thông qua các cuộc họp, email, tin nhắn trên ứng dụng được phát triển bởi Alibaba.
Bên cạnh đó cũng có ý kiến từ nhà quản lý Trung Quốc về việc yêu cầu nhân viên giảm các hoạt động xã hội - bao gồm các hoạt động tôn giáo, nhưng đã không được thi hành do vấp phải sự phản đối của nhiều người.
Ngoài ra, việc đẩy lùi sự lây lan của virus đã dẫn đến vài thay đổi. Bởi một số quốc gia nơi Lazada hoạt động, chẳng hạn như Philippines, có luật riêng tư chặt chẽ hơn Trung Quốc.
Vào ngày 10/3, Lazada đã thêm luật về bảo vệ quyền riêng tư vào các điều khoản của chương trình kiểm tra sức khỏe. Công ty đảm bảo tất cả dữ liệu cá nhân được thu thập từ chương trình kiểm tra sức khỏe hàng ngày sẽ xử lý theo luật Bảo mật dữ liệu địa phương.