Thứ Hai tuần này, một công đoàn tại Samsung Electronics ở Hàn Quốc cho biết rằng họ sẽ phát động một cuộc tổng đình công cho đến khi các yêu cầu về mức lương và thời gian nghỉ phép được đáp ứng.
Đại diện phía công đoàn này cũng đồng thời cảnh báo rằng hành động này sẽ gây thiệt hại lớn hơn đối với tập đoàn lớn nhất Hàn Quốc so với cuộc đình công kéo dài một ngày vào tháng trước.
Liên đoàn Lao động Toàn quốc Samsung Electronics (NSEU), với khoảng 28.000 thành viên, chiếm hơn 1/5 lực lượng lao động của công ty, đang có kế hoạch bắt đầu cuộc đình công vào ngày 8/7, yêu cầu công ty đưa ra các cam kết như cải thiện hệ thống thưởng dựa trên hiệu suất và tăng thêm một ngày nghỉ phép hàng năm.
"Chúng tôi tuyên bố tổng đình công ngày 8/7", Son Woo-mok, chủ tịch NSEU, phát biểu trên chương trình phát sóng trực tiếp trên YouTube. "Cho đến khi các yêu cầu được đáp ứng, chúng tôi sẽ đấu tranh bằng cuộc tổng đình công".
Công đoàn cho biết trong một tuyên bố rằng họ sẽ cung cấp thêm thông tin chi tiết về cuộc đình công vào thứ Ba (giờ địa phương).
Samsung Electronics vẫn chưa đưa ra bình luận ngay lập tức về vấn đề này.
Tháng trước, NSEU đã tổ chức một cuộc đình công bằng cách sử dụng ngày nghỉ phép hằng năm, đây là cuộc đình công đầu tiên trong lịch sử 100 năm của Samsung, nhưng công ty khi đó cho biết không có tác động nào đến hoạt động sản xuất hoặc kinh doanh.
Là nhà sản xuất chip nhớ hàng đầu thế giới và là nhà sản xuất điện thoại thông minh toàn cầu lớn, thành công của Samsung Electronics đang bị thách thức ở một số lĩnh vực, bao gồm cả một số loại chip tiên tiến.
Gần đây, công ty đã thay thế người đứng đầu bộ phận bán dẫn để giải quyết cái mà họ gọi là "cuộc khủng hoảng" đang ảnh hưởng đến ngành công nghiệp.
Bất kỳ hành động đình công nào kéo dài hoặc có quy mô lớn hơn đều sẽ khiến Samsung gặp khó khăn khi cố gắng bắt kịp các đối thủ sản xuất chip bộ nhớ băng thông cao (HBM) được sử dụng trong các ứng dụng AI.
Năm nay cũng đặc biệt có ý nghĩa đối với Chủ tịch Lee Jae-yong, người đang nỗ lực củng cố tầm nhìn "New Samsung" được đề xuất vào năm 2018. Chủ tịch Lee cũng vừa có chuyến công tác tới Mỹ, nơi ông tổ chức khoảng 30 cuộc họp với các công ty lớn, các thành viên Quốc hội Mỹ và các cơ quan chính phủ trong hơn hai tuần.
Tháng 2/1993, sau một đợt công tác đặc biệt 2 tháng tại Hoa Kỳ, Chủ tịch Samsung Lee Kun Hee đã triệu tập 23 quản lý cao cấp trong ngành điện tử - điện máy tại Los Angeles Hoa Kỳ đi khảo sát thị trường tại trung tâm thương mại lớn nơi đây, và đã chứng kiến sức cạnh tranh thấp của các sản phẩm Samsung.
Hầu hết những nơi ông đến thăm, sản phẩm Samsung được trưng bày ở nơi kém nổi bật, trong khi các hàng Sony, Panasonic, Whirlpool, Philips, Nec hay Motorola được bày tại các khu vực bắt mắt được gọi là "prime location".
Tháng 3/1993, Chủ tịch Samsung Lee Kun Hee triệu tập 46 người trong ban giám đốc họp tại Tokyo Nhật Bản sau khi đến thăm quan các nhà máy và trung tâm bán lẻ tại đây. Việc mục sở thị này tác động lớn tới công ty số 1 Hàn Quốc mà có khoảng cách rất lớn với các sản phẩm và thương hiệu hàng đầu khác trên thế giới.
Đến Frankfurt- Đức ngày 4/6/1993, ông nhận thêm báo cáo của cố vấn Fukuda người Nhật đang phụ trách sản xuất của Samsung về tình trạng trì trệ trong tinh thần cũng như thái độ làm việc của bộ phận R&D. Ngay lập tức vào ngày 7/6/1993 ông cho tập trung 250 lãnh đạo cao cấp của Tập đoàn Samsung toàn cầu để họp khẩn cấp trong 3 ngày liên tiếp từ 14 đến 16 tháng 6/1993. Và chính tại Khách sạn Kempinski "TUYÊN BỐ FRANKFURT – NEW MANAGEMENT" lịch sử đã ra đời, đánh dấu một công cuộc Đại cải tổ - một giai đoạn phát triển mới rực rỡ trong lịch sử Tập đoàn Samsung.
Theo: Koreaherald