Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm 2022, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt đã tăng 77,2% về số lượng và 29,8% về giá trị, thể hiện sự chuyển dịch rõ nét trong thói quen thanh toán của người tiêu dùng, từ thanh toán bằng tiền mặt sang các hình thức thanh toán kỹ thuật số. Trong bối cảnh đó, nhiều mối hợp tác trong lĩnh vực này đã diễn ra để phát triển nhanh, mạnh hơn nữa thanh toán không tiền mặt.
Mới đây nhất, tập đoàn Hoa Lâm và Mastercard đã công bố quan hệ hợp tác chiến lược nhằm triển khai các dự án mới trong lĩnh vực công nghệ thanh toán tại Việt Nam. Cụ thể, Vidiva (công ty fintech thuộc tập đoàn Hoa Lâm) sẽ được tiếp cận nguồn vốn và cơ sở hạ tầng công nghệ của Mastercard để triển khai các giải pháp thanh toán điện tử, bao gồm thanh toán qua tài khoản (pay-by-account) và chấp nhận thanh toán vòng lặp mở (open-loop) trên hệ thống giao thông công cộng tại TP.HCM.
Theo chia sẻ của ông Ling Hai - đồng chủ tịch Mastercard khu vực châu Á, ngày nay, người tiêu dùng muốn đăng nhập vào tài khoản và chuyển tiền an toàn dù ở bất kỳ đâu, ở bất kỳ thời gian nào và với bất kỳ phương thức nào. Xu hướng số này đang được phổ biến rộng rãi ở nhiều thị trường trên thế giới, trong đó có cả Việt Nam. Đại dịch đã thúc đẩy xu hướng thanh toán số trên toàn thế giới.
"Xu hướng này đã đưa Việt Nam từ một trong những quốc gia phụ thuộc vào tiền mặt nhiều nhất tại Đông Nam Á trở thành một trong những thị trường phát triển nhanh nhất về thanh toán không tiền mặt trong khu vực, với tỉ lệ thanh toán không tiền mặt đạt 95% vào năm 2021", ông Ling Hai dẫn số liệu cho biết.
"Tôi tin rằng, nền kinh tế số nói chung và thanh toán số nói riêng sẽ định hình tương lai của Việt Nam. Việt Nam đã có một bước khởi đầu tuyệt vời. Tỉ lệ thanh toán số ở Việt Nam rất cao. Theo Chỉ số Thanh toán mới của Mastercard năm 2022, có tới 94% người tiêu dùng Việt Nam đã sử dụng ít nhất một phương thức thanh toán số trong năm vừa qua. Đây là thành quả của những nỗ lực thúc đẩy thanh toán số của Chính phủ Việt Nam và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam", ông cho biết thêm.
Ông Ling Hai - đồng chủ tịch Mastercard khu vực châu Á.
Tuy nhiên, đồng chủ tịch Mastercard khu vực châu Á cho rằng, vẫn còn rất nhiều tiềm năng cần khai phá để tiếp tục đưa thanh toán số vào các trải nghiệm và hoạt động hàng ngày. Trên thế giới, có thể thấy các quan hệ hợp tác đang thúc đẩy quá trình đổi mới công nghệ tài chính, và Việt Nam cũng không ngoại lệ.
Cũng trong tháng 11/2022, Visa đã tác cùng các ngân hàng ACB, Sacombank, Shinhan Bank, Techcombank, TPBank, Vietcombank và VPBank triển khai tính năng thanh toán qua ứng dụng ví điện tử Google Wallet cho chủ thẻ Visa tại Việt Nam. Với sự ra mắt này, người dùng các thiết bị trên hệ điều hành Android và Wear OS sẽ có thể trải nghiệm thanh toán số an toàn và tiện lợi chỉ với một chạm trên thiết bị thông minh của mình.
Bà Đặng Tuyết Dung - Giám đốc Visa Việt Nam và Lào cho biết: “Các thiết bị di động hiện đang rất phổ biến tại Việt Nam, người tiêu dùng sử dụng chúng để giữ liên lạc, kinh doanh và giải trí. Đồng hành cùng Google, chúng tôi mở ra một tính năng cốt lõi khác cho chủ thẻ Visa, cung cấp cho họ phương thức thanh toán nhanh, an toàn và thuận tiện hơn thông qua các thiết bị thông minh của mình”.
Trước đó, Payoo cũng đã ký kết hợp tác chiến lược với Dragon Capital về việc hỗ trợ các nhà đầu tư thanh toán tiền đầu tư chứng chỉ quỹ trên nền tảng số DragonX của Dragon Capital Việt Nam ở cả hai phiên bản website và ứng dụng. Theo đó, Payoo cung cấp tính năng hoàn toàn mới là “chuyển khoản thanh toán bằng mã QR” - nơi người dùng chỉ cần đặt lệnh trên Dragon X rồi mở ứng dụng mobile banking của ngân hàng mình đang sử dụng, tải lên ảnh chụp mã QR để thanh toán.
Ông Ngô Trung Lĩnh - Tổng Giám đốc VietUnion cho biết, tuy mới triển khai hình thức “chuyển khoản thanh toán bằng mã QR” được hơn một tháng nhưng đã được cộng đồng các nhà đầu tư đón nhận và ủng hộ rất đông đảo. Không chỉ giới hạn trong lĩnh vực tài chính, phương thức “chuyển khoản thanh toán bằng mã QR” của Payoo có thể mở rộng để phục vụ các doanh nghiệp thuộc nhiều ngành nghề khác nhau giúp doanh nghiệp có thêm lựa chọn trong hành trình chuyển đổi số.