Theo ghi nhận, một số lượng lớn các thiết bị Xiaomi đang đứng đầu danh sách bức xạ smartphone, cùng với đó còn có cả những chiếc smartphone đến từ Samsung. Quan trọng hơn, báo cáo của Stocklytics nhấn mạnh một xu hướng đáng lo ngại là mức độ bức xạ của smartphone đang tăng lên, làm gia tăng lo ngại về tác động của công nghệ đối với môi trường.
Báo cáo xác định Xiaomi và Samsung là những công ty đóng góp nhiều smartphone Top đầu về mức bức xạ nhất, trong đó Xiaomi Mi A1 phát ra bức xạ cao đáng kể là 1,75 W/kg (tai) và 0,76 W/kg (cơ thể). Dòng Mi Max 3 của Xiaomi cũng không khá hơn là mấy với mức phát xạ 1,58 W/kg (tai) và 1,42 W/kg (cơ thể) đối với mẫu không có 5G, tronh khi biến thể 5G đẩy bức xạ cơ thể cao hơn nữa, ở mức 1,56 W/kg.
Samsung không hề bị bỏ lại phía sau khi Galaxy A23 5G gây ngạc nhiên với mức SAR gần 1,5 W/kg cho cả tai và cơ thể. Ngay cả những chiếc smartphone màn hình gập phổ biến của họ, Galaxy Z Fold 4 và Z Fold 5, cũng cho thấy mức độ phóng xạ đáng lo ngại. Trong đó, Galaxy Z Fold 4 đạt 1,30 W/kg (tai) và 1,51 W/kg (cơ thể) và Galaxy Z Fold 5 ở mức 1,24 W/kg (tai).
Kết quả nghiên cứu của Stocklytics.
Báo cáo cũng làm sáng tỏ tác động tiềm tàng của công nghệ 5G. Với dải tần số rộng hơn, 5G làm dấy lên mối lo ngại về khả năng phát thải bức xạ cao hơn từ smartphone. Điều này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc các nhà sản xuất ưu tiên thực hành thiết kế an toàn khi 5G ngày càng trở nên phổ biến.
Tất nhiên, khi các cơ quan quản lý ngày càng có ý thức hơn về bức xạ smartphone, chúng ta sẽ thấy nhiều nhà sản xuất quan tâm đến vấn đề này hơn. Vì vậy các công nghệ mạng sắp tới trên smartphone có thể giúp giảm lượng bức xạ.
Smartphone dựa vào sóng tần số vô tuyến (RF) để truyền và nhận tín hiệu. Những sóng này phát ra một mức bức xạ nhất định và đó là điều chúng ta đang đề cập đến: sự phát xạ bức xạ của smartphone. Nhưng bức xạ có hại hay không? Điều này phụ thuộc vào nhiều vấn đề. Để hiểu được những rủi ro tiềm ẩn, chúng ta cần giới thiệu một thuật ngữ chính, đó là tỷ lệ hấp thụ riêng (SAR) - một phép đo khoa học định lượng tốc độ cơ thể người dùng hấp thụ năng lượng RF từ nguồn bức xạ, trong trường hợp này là smartphone. Nó được biểu thị bằng watt trên kilôgam (W/kg). Hãy coi SAR như một cách để đánh giá lượng “nhiệt bức xạ” mà cơ thể người dùng đang hấp thụ. Các cơ quan quản lý như Ủy ban Truyền thông Liên bang (FCC) ở Mỹ và EU đặt ra giới hạn SAR cho smartphone, với các giới hạn này được thiết lập để đảm bảo mức phơi nhiễm RF luôn nằm trong phạm vi an toàn cho người dùng. Cuối cùng, nếu lo ngại về việc tiếp xúc với bức xạ, người dùng có thể thực hiện một số nghiên cứu để tìm điện thoại có xếp hạng SAR thấp hơn. Tuy nhiên, điều quan trọng cần nhớ là việc hạn chế sử dụng smartphone thường xuyên sẽ giúp tránh xa các bức xạ do smartphone gây ra. |