Nhiều trường hợp bị đánh cắp thông tin để vay mượn gây nợ xấu, đây là cách tra cứu CIC cực kỳ nhanh chóng!

Khi thông tin cá nhân bị đánh cắp, người dùng sẽ bị kẻ xấu lợi dụng để thực hiện các khoản vay, nợ xấu. Đây là cách giúp bạn tra cứu nợ xấu của bản thân để bảo vệ quyền lợi của chính mình.

Những ngày đầu năm, Việt Nam ghi nhận nhiều trường hợp phản ánh về việc bỗng nhiên bị mắc nợ xấu mặc dù không vay. Theo đó, một số đối tượng đã lợi dụng những sơ hở trong việc bảo quản thông tin cá nhân và thủ tục vay vốn dễ dàng để tranh thủ thời cơ "mượn" thông tin người khác để vay nợ.

Nhiều trường hợp bị đánh cắp thông tin để vay mượn gây nợ xấu, đây là cách tra cứu CIC cực kỳ nhanh chóng! - Ảnh 1.

Tất cả khoản nợ xấu từ các công ty tài chính như FE Credit, Home Credit... đều sẽ được ghi nhận trên Trung tâm thông tin tín dụng Quốc gia (CIC). Vậy làm sao để bạn biết được mình có đang dính nợ xấu không? Hãy làm theo hướng dẫn sau:

CIC là gì?

CIC là viết tắt của cụm từ Credit Information Center, hay còn gọi là Trung tâm Thông tin Tín dụng trực thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Cơ quan này sẽ có nhiệm vụ thu nhận, lưu trữ, phân tích, xử lý, dự báo thông tin tín dụng phục vụ cho yêu cầu quản lý của ngân hàng nhà nước và các cá nhân có yêu cầu trích xuất, đối chứng, kiểm tra...

Kiểm tra nợ xấu trên CIC thế nào?

Để kiểm tra nợ xấu CIC, bạn có thể truy cập vào đường link này để đến thẳng website CIC hoặc tải về ứng dụng CIC - ứng dụng này đang có mặt trên các nền tảng iOS và Android.

Khi yêu cầu kiểm tra CIC dù là trên website hay ứng dụng, bạn đều phải thực hiện các bước khai báo thông tin cá nhân bao gồm: họ tên, SĐT, địa chỉ, email, ngày sinh, người dùng cần phải cung cấp thêm ảnh mặt trước và mặt sau của CMND hoặc thẻ CCCD. Song song đó, bạn cũng cần tải lên ảnh chân dung của bản thân đang cầm CMND hoặc CCCD để hệ thống CIC kiểm tra thông tin, xác định người đăng ký.

Tuy nhiên, quá trình xác nhận khi đăng ký trên website có thể mất thời gian chờ đợi vài ngày; còn khi đăng ký trên ứng dụng, quy trình này được rút gọn thời gian hơn.

Nhiều trường hợp bị đánh cắp thông tin để vay mượn gây nợ xấu, đây là cách tra cứu CIC cực kỳ nhanh chóng! - Ảnh 2.

Giao diện bên ngoài của ứng dụng. Tại đây, nếu chưa có tài khoản, bạn cần tiến hành đăng ký. Thủ tục đăng ký đơn giản khi bạn chỉ cần nhập họ tên, SĐT, số CMND và đợi OTP báo mã đăng nhập về máy

Nhiều trường hợp bị đánh cắp thông tin để vay mượn gây nợ xấu, đây là cách tra cứu CIC cực kỳ nhanh chóng! - Ảnh 3.

Giao diện bên trong của ứng dụng có nhiều tính năng để bạn tham khảo các nhu cầu vay. Để kiểm tra nợ xấu, bạn truy cập vào "Khai thác báo cáo"

Nhiều trường hợp bị đánh cắp thông tin để vay mượn gây nợ xấu, đây là cách tra cứu CIC cực kỳ nhanh chóng! - Ảnh 4.

Bạn thực hiện khai báo các thông tin theo yêu cầu. Tiến hành chụp ảnh mặt trước, mặt sau CMND và chụp ảnh chân dung

Nhiều trường hợp bị đánh cắp thông tin để vay mượn gây nợ xấu, đây là cách tra cứu CIC cực kỳ nhanh chóng! - Ảnh 5.

Sau đó bạn sẽ nhận được thông báo chờ xác thực từ phía CIC, thời gian mất khoảng vài tiếng cho đến một hoặc hai ngày

Khi có kết quả tra cứu, người dùng sẽ nhận được thông tin của tất cả những mục sau:

Mục 1: Thông tin cá nhân của khách hàng

Mục 2: Thông tin dư nợ từng Tổ chức tín dụng (có để nợ nhóm 1 hoặc nhóm 2)

Mục 3: Có nợ chú ý trong 12 tháng gần nhất không? Nếu có sẽ báo cáo từng tháng bị chú ý.

Mục 4: Có nợ nhóm 3 trong 2 năm gần nhất không?

Mục 5: Có nợ nhóm 4, 5 trong 5 năm gần nhất không?

Tuy nhiên, khi cung cấp thông tin cá nhân như mặt trước, mặt sau của CMND, nhiều người hoài nghi tính an toàn của CIC? Câu trả lời, cách tra cứu nợ xấu này hoàn toàn an toàn. Vì CIC là một Tổ chức chịu quản lý trực tiếp của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nên bạn có thể yên tâm và tra cứu để đảm bảo quyền lợi của mình, đồng thời lên tiếng khi phát hiện có dấu hiệu bị lợi dụng vay nợ xấu.