Những hệ thống đề xuất nội dung luôn có mặt khắp mọi nơi, phát huy hiệu quả và chức năng trong rất nhiều dịch vụ mà chúng ta yêu thích và sử dụng mỗi ngày. Từ việc mua sắm trên Amazon, nghe nhạc trên Spotify đến công cụ tìm kiếm Google, xem video trên TikTok,..., hệ thống đề xuất được thiết kế để giúp người dùng có những trải nghiệm phù hợp với sở thích và mối quan tâm của mình.
Nhìn chung, các hệ thống này sẽ đề xuất nội dung sau khi tìm hiểu thói quen của người dùng thông qua sự tương tác của chính người đó trên nền tảng, chẳng hạn như viết một bình luận hay nhấn nút theo dõi một tài khoản. Những tín hiệu này giúp hệ thống đề xuất đánh giá được nội dung người dùng yêu thích hay muốn bỏ qua.
Những yếu tố tác động tới danh sách video gợi ý
Với TikTok, khi người dùng truy cập vào mục "Dành cho bạn", các video được đề xuất theo sở thích cá nhân sẽ xuất hiện. Đây là cách giúp người dùng dễ dàng tìm thấy các nhà sáng tạo và những nội dung yêu thích của riêng mình. Danh mục này được cung cấp bởi hệ thống đề xuất nội dung cho riêng từng người dùng theo sở thích của họ. Những người dùng khác nhau có thể xem một số video nổi bật giống nhau, nhưng các nội dung được đề xuất cho từng người là duy nhất và dành cho từng cá nhân cụ thể.
Cụ thể, mục "Dành cho bạn" thể hiện được tính cá nhân hoá người dùng. TikTok cho biết, hệ thống sẽ đề xuất nội dung bằng việc đánh giá các video dựa trên một tổ hợp các yếu tố - bắt đầu từ những sở thích mà mọi người thể hiện với tư cách là một người dùng mới, cũng như điều chỉnh những nội dung mà họ không hứng thú.
Việc đề xuất nội dung dựa trên một số yếu tố sau:
- Sự tương tác của người dùng: Là những video họ thích hay chia sẻ, những tài khoản họ theo dõi, những bình luận và nội dung họ tạo ra.
- Thông tin về video:Phần nội dung miêu tả video, âm thanh và hashtags (gắn thẻ).
- Cài đặt tài khoản và thiết bị: Cài đặt ngôn ngữ, quốc gia và loại thiết bị. Những yếu tố này góp phần đảm bảo tối ưu hoá hiệu suất của hệ thống. Tuy nhiên, các yếu tố này nhận được mức đề xuất thấp hơn vì người dùng không chủ động thể hiện sở thích của mình thông qua những yếu tố này.
Nhiều yếu tố tác động tới thứ tự sắp xếp của một đoạn video trên tài khoản người dùng.
Tất cả các yếu tố đều được xử lý bởi hệ thống đề xuất của TikTok và được tính toán dựa trên giá trị của TikTok đối với người dùng. Kết quả, các video được sắp xếp theo thứ tự để xác định mức độ quan tâm đến từng nội dung của người dùng.
Đáng chú ý, TikTok tuyên bố: Video có thể nhận được nhiều lượt xem hơn nếu được đăng tải bởi một tài khoản có nhiều người theo dõi hoặc video đã đạt được hiệu suất cao trước đó, nhưng điều này không phải là yếu tố trực tiếp tác động đến hệ thống đề xuất.
Làm sao TikTok biết một người thích gì khi họ chỉ mới bắt đầu?
Để bắt đầu, TikTok sẽ mời người dùng mới lựa chọn các chủ đề họ yêu thích, chẳng hạn như thú cưng hay du lịch, nhằm tạo ra những đề xuất tương ứng với sở thích của họ. Việc này cho phép nền tảng phát triển tính năng "Dành cho bạn", và sẽ dần hoàn thiện những đề xuất dựa trên tương tác của người dùng.
TikTok có cách để hiểu người dùng mới thích gì.
Đối với những người dùng không lựa chọn chủ đề yêu thích, TikTok sẽ bắt đầu bằng việc cung cấp những video phổ biến, mang tính khái quát để tạo cho người dùng mới cho một sự khởi đầu. Những lượt thích, bình luận, và phát lại video sẽ gợi ý các đề xuất đầu tiên khi hệ thống hiểu được những nội dung mà người đó quan tâm.
Mỗi tương tác mới giúp hệ thống hiểu hơn về sở thích của người dùng và gợi ý các nội dung phù hợp. Vì vậy, cách tốt nhất để quản lý danh mục "Dành cho bạn" là sử dụng bình thường và tận hưởng nội dung. Theo thời gian, danh mục này sẽ ngày càng có khả năng đưa ra các đề xuất phù hợp với sở thích của các người dùng hơn.
Danh mục không chỉ được định hình bởi sự tham gia của người dùng trên TikTok. Khi người dùng quyết định theo dõi những tài khoản mới, các hashtag, âm thanh, hiệu ứng, và các chủ đề thịnh hành trong danh mục "Khám phá" cũng góp phần tăng thêm các đề xuất phù hợp.
Mặc dù vậy, đôi khi người dùng có thể bắt gặp những video không hợp với sở thích của mình. Cũng giống như việc có thể nhấn giữ để thêm một video vào mục yêu thích, người sử dụng TikTok chỉ cần nhấn giữ và chọn “Không hứng thú" để chỉ ra sự không quan tâm đến một video cụ thể nào đó. Người sử dụng TikTok cũng có thể chọn ẩn video từ một nhà sáng tạo nội dung nhất định, hay video được tạo ra bởi một âm thanh cụ thể, và cả việc báo cáo một video không phù hợp với quy định của TikTok. Tất cả những hành động này đều đóng góp cho các đề xuất video tương lai trong mục "Dành cho bạn".
Để giữ cho mục "Dành cho bạn" luôn đa dạng, hệ thống đề xuất của TikTok còn cho phép người dùng khám phá các loại nội dung khác ngoài những nội dung họ đã thích trước đó. Ví dụ: Danh mục này sẽ không hiển thị hai video liên tiếp được tạo bằng cùng một âm thanh hay bởi một nhà sáng tạo nội dung. TikTok cũng không đề xuất những nội dung trùng lặp mà người dùng đã thấy trước đó hoặc bất kỳ nội dung nào được xem là "spam". Tuy nhiên, người dùng cũng có thể được đề xuất các video đã được đón nhận bởi những người có cùng sở thích.