Những con số thú vị về thị trường game, ứng dụng thời COVID-19

Nhiều sự thay đổi trong lĩnh vực game, ứng dụng di động và thanh toán điện tử đã được chỉ ra trong báo cáo “Ứng dụng di động 2021” của Appota Group.

Thị trường game di động đón nhận “cú hích” lớn

Năm 2020, đại dịch COVID-19 đã tác động mạnh đến thị trường khiến nhu cầu chơi game di động tăng trưởng mạnh trên toàn cầu. Việt Nam cũng có chung xu hướng này khi mọi chỉ số về lượt tải, số lượng game đều tăng trưởng mạnh so với năm 2019.

Cụ thể, thị trường game di động chứng kiến tăng trưởng 40% doanh thu qua kho tải, lượt tải và số lượng game ra mắt cũng tăng mạnh so với 2019 và dự đoán có thể đạt con số 205 triệu USD vào năm 2021. Điều này chứng minh thị trường game di động đã nhận được cú hích lớn từ COVID-19. 

Bên cạnh đó, loại hình thể thao điện tử eSport trên di động cũng có dấu hiệu tăng trưởng đột biến sau đại dịch. Khảo sát của Appota cho thấy, có tới 80% người chơi cho rằng họ đã giành thêm nhiều thời gian tiếp xúc với các nội dung eSport trong giai đoạn giãn cách xã hội. Cụ thể, trung bình người chơi dành 2 giờ 55 phút mỗi ngày để chơi các trò chơi eSport thời gian trung bình để xem livestream hoặc các giải đấu eSport là 2 giờ 10 phút.

Nhiều ứng dụng di động hưởng lợi sau đại dịch COVID-19

Sự bùng nổ của TikTok sau đại dịch với 16 triệu lượt tải trong năm 2020 đã khiến ứng dụng video ngắn trở thành xu hướng giải trí mới tại Việt Nam. Dự báo thị trường này sẽ còn sôi động hơn trong năm 2021 với sự vào cuộc của Instagram và YouTube.

Các ứng dụng giao đồ ăn cũng trở nên phổ biến hơn bao giờ hết sau đại dịch COVID-19, tạo thành thói quen mới của người Việt thay cho các hình thức đặt đồ ăn truyền thống. Theo báo cáo của Appota, tỉ lệ đặt đồ ăn qua ứng dụng di động bên thứ 3 đã đạt 82% so với năm 2018 (58%).

Hình thức gọi điện trực tiếp để đặt hàng đã sụt giảm đáng kể từ 71% xuống còn 23%. Lý giải cho điều này là do các ứng dụng giao hàng ăn đã tung ra nhiều khuyến mại lớn để thu hút người dùng với sự cạnh tranh tranh sôi động giữa các ông lớn Grab, Now, Gojek (trước kia là GoViet), Beamin,...

Cuộc đua của thị trường ví điện tử và thương mại điện tử ngày càng “sôi động”

Năm 2020, có 121 startup hoạt động trong lĩnh vực fintech tại Việt Nam, trong đó lĩnh vực thanh toán điện tử có số lượng startup lớn nhất (chiếm 31%) - cao gấp 2 lần so với lĩnh vực P2P lending (cho vay ngang hàng) với 16%. Điều này chứng tỏ thị trường thanh toán đang là thị trường có quy mô lớn nhất lĩnh vực fintech, tuy nhiên ngược lại cũng có rất nhiều đối thủ cạnh tranh.

Làn sóng COVID-19 và sự thúc đẩy thanh toán không tiền mặt từ Chính phủ trong năm 2020 đã khiến nhiều ví điện tử được hưởng lợi với lượng người dùng gia tăng mạnh trong năm qua. Đặc biệt nổi bật là Momo đã đạt được 20 triệu người dùng và VNPAY đã được định giá trên 1 tỉ USD.

Ngành thương mại điện tử cũng không nằm ngoài biến động từ thị trường với mức tăng trưởng 18% với quy mô đạt 11,8 tỉ USD. Thương mại điện tử trên di động cũng theo đà tăng trưởng nhanh chóng, dự báo năm 2021 sẽ đạt doanh thu 7 tỉ USD và có xu hướng sẽ vượt qua nền tảng máy tính trong vài năm tới.

Từ báo cáo này có thể thấy, thị trường thanh toán điện tử và thương mại điện tử tuy là một xu hướng bùng nổ sau đại dịch và gia tăng lượng lớn người dùng mới, nhưng xét về mặt doanh thu thì không có sự đột phá. Điều này có thể lý giải bởi tác động kinh tế do đại dịch đã tạo ra tình trạng bất ổn về tâm lý người dùng, khiến cho sức mua của người tiêu dùng Việt bị hạn chế đáng kể.

Clip tóm tắt báo cáo.