Những sai lầm dễ khiến tiền điện tăng "phi mã"

Để hóa đơn tiền điện không tăng "phi mã" trong mùa nắng nóng này, người tiêu dùng phải lưu ý nhiều chi tiết khi thiết kế, sử dụng thiết bị điện.

Đối với điện sinh hoạt tại các hộ gia đình, việc sử dụng hiệu quả từng thiết bị điện sẽ góp phần giảm đáng kể lượng điện năng tiêu thụ. Đặc biệt để hóa đơn tiền điện không tăng "phi mã" trong mùa nắng nóng này, người tiêu dùng càng phải lưu ý nhiều chi tiết khi thiết kế, sử dụng thiết bị điện. Không chỉ tránh lãng phí điện năng mà còn phòng chống cháy, nổ có thể xảy ra.

Loạt sai lầm khi sử dụng máy điều hòa

Máy điều hòa không khí thường là một trong những thiết bị "ngốn" nhiều điện nhất trong sinh hoạt thường ngày, tại Việt Nam phổ biến là máy điều hòa không khí một chiều làm lạnh (máy lạnh). Thoạt nhìn, chỉ đơn giản bật/tắt để sử dụng thiết bị này, nhưng chính điều đó dễ khiến người dùng mắc những sai lầm.

Theo khuyến cáo từ hãng Gree, tắt/bật điều hòa liên tục là sai lầm dễ mắc phải nhất. Nó không giúp tiết kiệm điện như suy nghĩ của nhiều người, mà ngược lại sẽ gây hao tốn điện năng đáng kể do máy nén và các thiết bị động cơ của máy phải khởi động lại nhiều lần.

Những sai lầm dễ khiến tiền điện tăng "phi mã" - 3

Bật/tắt điều hòa liên tục khi sử dụng máy điều hòa là một sai lầm.

Ngoài ra, việc mở cửa khi bật điều hòa sẽ gây thất thoát hơi lạnh ra bên ngoài khiến cho không gian sử dụng khó đạt được nhiệt độ người dùng mong muốn, đồng thời máy phải hoạt động liên tục ở công suất cao gây tiêu hao điện năng. Tuy nhiên, Gree khuyến cáo người dùng cũng nên thỉnh thoảng 15 - 30 phút mở cửa phòng trong vài giây để không khí thụ động trong phòng được đẩy ra ngoài, tránh cảm giác ngột ngạt.

Sai lầm tiếp theo là người dùng chỉ sử dụng riêng máy điều hòa, không tận dụng điều hòa với các thiết bị hỗ trợ như quạt gió, quạt điều hòa,... Trên thực tế, việc sử dụng quạt và điều hòa cùng một lúc sẽ giúp cho hơi lạnh được lan tỏa đều hơn. Hơn nữa, phương pháp kết hợp này không chỉ tiết kiệm cho hóa đơn tiền điện mà còn giúp giảm bớt công suất, tần suất làm việc của điều hòa, qua đó tăng độ bền cho sản phẩm.

Cài đặt nhiệt độ quá thấp khiến chênh lệch quá cao giữa nhiệt độ trong nhà và nhiệt độ ngoài trời là chống chỉ định được nêu rõ trong sách hướng dẫn của các nhà sản xuất. Chẳng hạn với Gree, họ khuyến nghị mức giao động chỉ nên trong khoảng 5 - 10 độ C.

"Người dùng cài đặt nhiệt độ trong phòng quá thấp dẫn đến mức độ chênh lệch nhiệt độ bên trong và ngoài quá cao sẽ khiến máy nén phải hoạt động liên tục ở công suất cao vừa gây tiêu tốn điện năng vừa ảnh hưởng đến tuổi thọ sản phẩm", Gree khuyến cáo.

Cuối cùng, việc không vệ sinh, bảo trì máy thường xuyên sau một thời gian sử dụng sẽ khiến nhiều bụi bẩn bám trên dàn ngưng tụ ở cả dàn nóng và dàn lạnh, không chỉ gây ảnh hưởng đến hiệu suất làm lạnh của máy, tiêu tốn điện năng mà còn gây ra các bệnh về đường hô hấp cho người sử dụng.

Sai lầm ngay từ đầu khi chọn thiết bị điện

Những sai lầm dễ khiến tiền điện tăng "phi mã" - 4

Nên ưu tiên chọn các thiết bị có công nghệ tiết kiệm năng lượng Inverter.

Inverter (biến tần) đã trở thành một tiêu chuẩn cho các thiết bị tiết kiệm điện, thường được nhắc tới đối với máy điều hòa và tủ lạnh. Tuy nhiên, cùng một hãng, cùng một đời sản phẩm, các thiết bị không Inverter thường có giá rẻ hơn khiến người dùng vì tiết kiệm trước mắt mà phải trả giá về sau. Lời khuyên là nên ưu tiên chọn các thiết bị có nhãn tiết kiệm năng lượng Inverter với chỉ số tiết kiệm năng lượng càng cao càng tốt (tối đa là 5 sao).

Lấy máy điều hòa và tủ lạnh Inverter làm ví dụ. Khi nhiệt độ đạt tới mức đã thiết lập thì nó chuyển sang trạng thái ổn định ít hao năng lượng hơn, như điều hòa Inverter của Gree tiết kiệm tới 60% so với điều hòa thông thường.

Sai lầm với các thiết bị dẫn điện (ổ điện, phích cắm,...)

Những sai lầm dễ khiến tiền điện tăng "phi mã" - 5

Điện năng vẫn bị tiêu hao qua các thiết bị dẫn điện nối với nguồn điện dù không sử dụng.

Mỗi thiết bị dẫn điện khi vẫn còn kết nối với nguồn điện đều sẽ vẫn hao tốn một lượng điện năng nhất định, dù không sử dụng. Khi số lượng thiết bị kết nối cùng lúc trở nên quá nhiều, đây sẽ trở thành một nguồn tiêu hao năng lượng đáng kể. Muốn giảm lượng điện năng này, người dùng nên lắp đặt cầu dao CP hoặc dùng ổ điện có công tắc cho từng nhóm thiết bị cụ thể để tắt hẳn các thiết bị không thật sự cần thiết (TV, nồi cơm điện, ấm điện, quạt, củ sạc điện thoại...) khi không sử dụng.

Ngoài ra, tùy công suất của mỗi loại thiết bị, người dùng chỉ nên sử dụng loại dây điện có lõi đồng phù hợp. Việc này được thực hiện ngay khi triển khai hệ thống điện tại gia sẽ góp phần giảm tiêu hao điện năng không đáng có. Chẳng hạn, một bóng đèn LED chiếu sáng chỉ cần một dây điện loại nhỏ hoặc vừa, trong khi một lò nướng điện sẽ cần dây điện loại to hơn để đảm bảo đủ tải. Đáng chú ý ở các vùng quê hay những nơi cần kéo dây điện ngoài trời, nếu người dùng không để ý sẽ rất dễ xảy ra tình trạng rò rỉ điện gây tiêu hao đáng kể điện năng, chưa nói việc cháy nổ có thể xảy ra gây nguy hiểm tới tính mạng.