Mỹ và một số quốc gia trên thế giới không giới hạn độ tuổi gửi bằng sáng chế vì các nhà làm luật tin rằng các ý tưởng tốt nhất hoàn toàn có thể đến từ suy nghĩ của một đứa trẻ.
Dù ý tưởng đến một cách tình cờ hay thông qua nghiên cứu hẳn hoi, thì người trẻ vẫn luôn có cách rất riêng để giải quyết các vấn đề và làm thay đổi hẳn vấn đề đó. Dưới đây là những sáng tạo của người trẻ dưới 20 tuổi, đã khiến thế giới chúng ta đang sống thành một nơi hoàn toàn khác.
Facebook: Mạng xã hội lớn nhất hành tinh
Chỉ vài tháng sau sinh nhật lần thứ 20 của mình, sinh viên Mark Zuckerberg của Đại học Harvard đã cho chạy chính thức nền tảng Facebook của mình vào 04/02/2004 cùng các sinh viên khác là Dustin Moskovitz, Chris Hughes và Eduardo Saverin.
Tháng 12 năm 2004, trang mạng này đạt số lượng 1 triệu người dùng nhưng chỉ 13 năm sau con số này đã là 2 tỷ trên toàn cầu và không ngừng tăng lên với tốc độ chóng mặt. Ngày nay, Facebook là một mạng xã hội được mệnh danh là đế chế quảng cáo với doanh thu đạt hơn 40 tỷ USD vào năm 2017.
Nhờ vào Facebook, chủ nhân của nó là Mark Zuckerberg cũng ghi tên mình vào danh sách những người giàu nhất hành tinh với tài sản ròng trị giá 73,5 tỷ USD (số liệu dẫn từ Forbes).
Máy tính toán học
Nhà toán học, vật lý học và triết gia nổi tiếng Blaise Pascal người Pháp nổi tiếng khắp thế giới với vai trò là người đầu tiên chế tạo ra máy tính cơ học. Từ khi còn là một thiếu niên 19 tuổi vào năm 1642, ông bị áp lực bởi công việc nặng nề của người thu thuế.
Máy tính toán học vào thế kỷ 17. Ảnh: Aunction Team.
Hằng ngày phải đối mặt với rất nhiều những con số, Pascal đã tạo ra một thiết bị với tên gọi Pascaline, có chức năng cộng trừ số nguyên bằng hệ thống các bánh xe. Dần dần, thiết bị này được nâng cấp và chúng ta sử dụng rất phổ biến ngày nay với tên gọi máy tính.
Kem que
Vào một đêm lạnh lẽo năm 1905, cậu bé Frank Epperson 11 tuổi đã vô tình để quên ly soda có ghim một chiếc que ở ngoài sân tuyết. Sáng hôm sau, cậu thức dậy và thấy nó đã bị đóng băng, một sự cố dẫn đến một phát hiện vĩ đại.
Frank Epperson lúc về già bên cạnh phát minh tình cờ của mình. Ảnh: Getty Images.
Frank gọi đó là “kẹo que đã qua xử lý đông lạnh” và đăng ký bằng sáng chế vào năm 1924. Ngày nay chúng ta gọi đó là kem que và trẻ em rất thích món ăn này.
Màu tím nhân tạo
Năm 1856, chàng trai 18 tuổi William Henry Perkin được thầy giáo hóa học giao đề bài tìm ra cách sản xuất quinine ít tốn kém. Thời đó, quinine được dùng để trị bệnh sốt rét. Perkin dùng than đá để tạo ra quinine nhưng nó không trị được bệnh. Tuy vậy, Perkin tạo ra một chất đen kịt mà để qua thời gian nó sẽ chuyển thành màu tím.
Màu tím tự nhiên dùng để nhuộm vải trước đây vốn không có sẵn. Ảnh: Getty Images.
Hóa ra, hợp chất ông tạo ra giữ màu rất tốt trên vải và được dùng làm thuốc nhuộm màu tím. Trước đó, ngành may mặc phải rất vất vả và tốn kém để tìm ra thuốc nhuộm màu tím giống với màu tím hoa cà trong tự nhiên. Perkin vô tình đã khiến ngành nhuộm màu tiến thêm một bước mới với sản phẩm của mình.
Vải bịt tai mùa đông
Chester Greenwood khi còn là một cậu bé 15 tuổi sống tại Farmington (bang Maine, Mỹ), đã nghĩ ra ý tưởng bịt tai lại khi trượt băng. Ông đã nhờ người bà của mình may ghép những mảnh lông hải ly thành một lớp dày có khung dây bên trong. Sáng tạo này sau đó được cấp bằng sáng chế và ông đã sản xuất được 50.000 cặp mỗi năm khi lên 20 tuổi.
Hình ảnh quảng cáo cho vải bịt tai mùa đông. Ảnh: Achive.
Vào thời điểm Greenwood qua đời, thế giới sản xuất 400.000 cặp bịt tai mỗi năm và phục vụ nhu cầu của rất nhiều người khi đi ra đường vào mùa đông. Năm 1977, ngày 21 tháng 12 lần đầu tiên được chọn là Ngày Chester Greenwood ở Farmington để vinh danh ông.
Chữ nổi cho người mù
Louis Braille người Pháp bị mù vì một tai nạn vào năm lên 3 tuổi. Thế nhưng khiếm khuyết cơ thể không ngăn cản ông trở thành một nhạc sĩ tài ba và sáng tạo ra hệ chữ nổi dành cho những người kém may mắn giống như ông.
Chữ nổi dành cho người mù là sáng tạo của chính một người mù, ông Louis Braille. Ảnh: Getty Images.
Dựa vào hệ thống mã dùng làm tin nhắn bí mật được dùng trong quân đội, Braille tạo ra hệ thống chữ nổi vào năm 15 tuổi. Ông đã xuất bản nhiều sách dành cho người mù trong suốt cuộc đời của mình.
Một thế kỷ sau khi ông qua đời vào năm 1852, người ta đã cho khai quật mồ của ông để cải táng ông tại Pantheon, Paris cùng bộ chữ của mình nhằm vinh danh ông với nhiều anh hùng dân tộc khác của Pháp.
Công nghệ quét ảnh của TV
Sinh ra vào năm 1906 ở Beaver (bang Utah, Mỹ), Philo Farnsworth đã sớm nhận ra hệ thống máy cơ học của TV hoạt động rất chậm và nó khiến việc quét hình ảnh nhanh vài lần mỗi giây là điều không tưởng.
TV chưa bao giờ sống động cho tới khi Philo Farnsworth cải tiến công nghệ quét ảnh của nó. Ảnh: Everett Collection.
Năm 1921 khi mới 15 tuổi, ông đã vẽ phác hệ thống máy mới của mình dùng cho TV và nộp cho giáo viên chủ nhiệm của ông xem. Trong bản mô tả, ông cho thấy hình ảnh sống động của máy truyền hình nếu dùng hệ thống của ông.
6 năm sau, ông đã có bằng sáng chế đầu tiên của mình. Tháng 9 năm 1928, ông hoàn thiện hệ thống quét hình ảnh và trình bày chúng với báo giới để nâng cấp công nghệ truyền tải hình ảnh lên một tầng mới.
Bạt lò xo thể dục dụng cụ
George Nissen là một vận động viên thể dục dụng cụ và cũng là người phát minh ra tấm bạt lò xo vào thập niên 1930. Từ khi còn là một học sinh trung học, ông và thầy huấn luyện viên đã cùng nhau lên ý tưởng về một đồ vật giúp con người có thể tung hứng, lộn nhào dễ dàng.
Ảnh quảng cáo cho bật lò xo Nissen. Ảnh: Archive.
Cuối cùng họ đã tạo ra tấm bạt lò xo và mở một công ty để đăng ký bằng sáng chế cho sản phẩm này. Sau khi được công nhận sở hữu trí tuệ, ông tiếp tục cải thiện và cho ra mắt sản phẩm hoàn chỉnh vào năm 1945.
Tấm bạt lò xo gây ấn tượng mạnh bởi hình ảnh quảng cáo của nó. Trong đó, Nissen chụp ảnh cùng một con chuột túi ở Yonkers, New York, cho thấy dụng cụ thể thao này rất chắc chắn và giờ đây nó là món đồ không thể thiếu của bộ môn thể dục dụng cụ.
Xe trượt tuyết có động cơ
Sinh ra vào năm 1907, Joseph-Armand Bombardier người Quebec (Canada) đã sớm tạo ra những món đồ chơi cơ khí chạy động cơ hơi nước cho riêng mình từ năm 13 tuổi. Cha của ông không lấy làm vui lòng với việc cậu con trai của mình cứ tách rời rồi lắp ráp lại chiếc xe hơi của gia đình, vì thế người cha mua luôn chiếc xe mới cho Bombardier thoải mái nghịch phá.
Nguyên mẫu chiếc xe trượt tuyết đầu tiên được trưng bày tại bảo tàng. Ảnh: Toronto Star.
Vào đêm trước năm mới 1922 khi ông 15 tuổi, ông đã gắn động cơ vào chiếc xe trượt tuyết với một cách quạt khổng lồ phía sau tạo lực đẩy. Thời điểm này xe cánh quạt thậm chí còn chưa ra đời, nhưng ông đã sớm đăng ký bằng sáng chế cho xe bánh xích vào năm 1937 và dần dần phát triển thêm sản phẩm của mình.
Mặc cho người cha ra sức ngăn cản vì nhìn thấy những nguy hiểm tiềm tàng trong “món đồ chơi” này, Joseph-Armand Bombardier đã trình làng xe trượt tuyết chạy máy Ski-Doo vào năm 1958 và chinh phục được tất cả mọi người.
Trượt ván dưới nước
Được mệnh danh là “cha đẻ của thể thao trượt nước”, cậu bé Ralph Samuelson 18 tuổi vào năm 1922 đã vô tình phát minh ra trò trượt nước đầy thú vị này trên mặt hồ Pepin (bang Minnesota, Mỹ). Việc sáng chế ra cũng khá đơn giản, cậu đứng trên một tấm ván được cột dây vào phía sau chiếc xuồng của người anh trai và cứ thế cưỡi đi trên nước.
Ralph Samuelson cùng sáng chế của mình trên mặt nước. Ảnh: Getty Images.
Nhưng không phải lúc nào tấm ván cũng trượt băng băng trên mặt nước như vậy. Sau nhiều lần tính toán các thông số và nâng cấp vật liệu, ông đã đưa ra một bộ chuẩn cho môn thể thao này và ngày nay chúng ta vẫn còn chơi nó như một trò trượt nước đỉnh cao.
WordPress
35% các trang web trên thế giới chạy trên nền tảng WordPress và đây là sản phẩm hợp tác giữa Matt Mullenweg 19 tuổi cùng Mike Little 40 tuổi vào năm 2003. Là một nền tảng mở để quản lý nội dung và dựng blog, WordPress dễ dàng sử dụng và vì thế bất cứ ai từ một hộ kinh doanh nhỏ lẻ đến các trang web của chính phủ cũng dùng nó.
Chân dung ông chủ trẻ Matt Mullenweg chụp vào năm 2014. Ảnh: Getty Images.
Công ty hiện tại được định giá hơn 1 tỷ USD và cậu bé Matt Mullenweg ngày nào hiện đang là CEO của Automattic, công ty mẹ chuyên phát triển các sản phẩm cho WordPress.
The Ocean Cleanup: Dọn sạch rác ở Thái Bình Dương
Boyan Slat đã có những ý tưởng táo bạo làm sạch rác ở Thái Bình Dương từ khi 16 tuổi. Sử dụng các đường ống rộng từ 1 đến 2 km đặt nổi trên mặt biển, bên dưới có lưới lọc giúp “tóm” lấy rác thải.
Dự án đầy tham vọng mong muốn dọn sạch Thái Bình Dương của chàng trai 16 tuổi. Ảnh: The Ocean Cleanup.
Ý tưởng có vẻ đơn giản nhưng dự án The Ocean Cleaup này lạc quan sẽ dọn sạch 50% rác biển trong 5 năm, và họ nhận được 20 triệu USD tài trợ vào năm 2017 để bắt đầu triển khai công việc từ năm 2018.
Summly: Ứng dụng rút gọn văn bản thông minh
Thời gian là tiền bạc, tại sao phải lãng phí thời gian để đọc những văn bản dài dòng lan man? Năm 2011 ở tuổi 15, Nick D'Aloisio đã tạo ra một thuật toán giúp tóm tắt văn bản tự động và thông minh được gọi là Trimit (sau đổi tên thành Summly).
Nick D'Aloisio năm 15 tuổi đã có ý tưởng đột phá khiến gã khổng lồ Yahoo phải ngỏ lời mua lại với giá 30 triệu USD. Ảnh: Getty Images.
Ứng dụng trí tuệ nhân tạo, công nghệ này có thể rút ngắn văn bản 1.000 từ xuống còn 140 từ với đầy đủ thông tin cô đọng nhất. Ý tưởng nhanh chóng nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư. Cuối cùng, D'Aloisio đã bán Summly cho Yahoo với giá 30 triệu USD trước sinh nhật lần thứ 18 của mình rồi tiếp tục tự vận hành sản phẩm với tên gọi Yahoo News Digest trong 3 năm tiếp theo.
Đèn pin không dùng pin
Được phát minh bởi cô gái Andini (Ann) Makosinski người Canada, chiếc đèn pin độc đáo này không hề dùng pin mà chỉ chạy bằng sức nóng trong lòng bàn tay. Sáng chế này đã giành giải thưởng cao nhất tại Hội chợ Khoa học Google năm 2013 và cô bé kể từ đó đã nhận được rất nhiều giải thưởng khác.
Andini Makosinski cùng MC Jimmy Fallon. Ảnh: Gatty Images North America.
Đèn pin vận hành vào cơ chế chênh lệch nhiệt giữa sức nóng bên ngoài và nhiệt độ thấp bên trong. Sản phẩm này đặc biệt hữu ích cho những chuyến đi dã ngoại, thám hiểm nơi hẻo lánh hay tại những quốc gia kém phát triển trên thế giới. Cô được mời làm diễn giả tại TED Talk 5 lần và xuất hiện trên các chương trình truyền hình lớn trên thế giới.