Những thông số cần biết khi chọn mua card màn hình

Đã bao giờ bạn tự hỏi những thông số của những chiếc card màn hình mình mua có ý nghĩa như thế nào chưa?

Mỗi khi đi mua card màn hình, thông thường chúng ta sẽ chỉ nhìn vào mã sản phẩm và dung lượng bộ nhớ để quyết định có nên mua chúng hay không. Vậy nếu như xuất hiện hai chiếc card màn hình có cùng mã sản phẩm, giá tiền tương đương đến từ những thương hiệu khác nhau thì liệu bạn sẽ chọn như thế nào?


Trong bài viết này KenhTinGame sẽ giúp bạn giải quyết phần nào bài toán đó, việc hiểu rõ các thông số của card màn hình sẽ giúp bạn có sự lựa chọn phù hợp và kinh tế nhất trong khả năng của mình.

Thông thường một chiếc card màn hình sẽ có các thông số dưới đây:

GPU (Graphics Processing Unit) - Đơn vị xử lý đồ họa

Đây là con chip đóng vai trò cốt lõi của mỗi card đồ họa, là thành phần cấu thành và quan trọng nhất của một chiếc card màn hình. Tùy vào các hãng quy định mà con chip này sẽ có mã tên khác nhau, và thường sẽ đại diện luôn cho tên của sản phẩm đó.

Corespeed - Xung nhịp

Xung nhịp hiểu đơn giản là tốc độ xử lí lệnh của GPU được tính bằng MHz. Tuy nhiên, điều này chỉ đúng trên lý thuyết, trong thực tế, không phải cứ 2 card màn hình có xung nhịp ngang nhau là tốc độ xử lí lệnh sẽ bằng nhau. Bên cạnh xung nhịp còn nhiều chỉ số khác ảnh hưởng đến tốc độ xử lí của card màn hình.

Video Memory - Bộ nhớ tạm

Bộ nhớ tạm thời của card màn hình, nếu biết đến khái niệm của RAM thì bạn cũng có thể hiểu theo cách tương tự. Bộ nhớ càng lớn thì các phần mềm và game càng có nơi để lưu trữ tạm thời, tránh tình trạng load lại gây mất thời gian.

Hiện nay, với mỗi phiên bản của card màn hình, các nhà sản xuất thường cho chúng ta từ 2 đến 3 tùy chọn về bộ nhớ RAM. Nếu thường xuyên sử dụng từ 2 màn hình trở lên, một chiếc card màn hình có bộ nhớ tạm thời cao sẽ tốt hơn cho bạn.

Memory Type - Loại bộ nhớ

Đây là loại bộ nhớ được dùng trong card màn hình. Bộ nhớ thường được sử dụng trên VGA thường là GDDRx. Các thế hệ bộ nhớ về sau sẽ tốt hơn trước với tốc độ và băng thông được cải thiện. Lưu ý thông số này không liên quan đến bộ nhớ DDR của RAM.

Memory Speed - Tốc độ bộ nhớ

Là tốc độ bộ nhớ RAM của card được tính bằng MHz, hiểu đơn giản là tốc độ mà card có thể truy cập dữ liệu được lưu trữ trên RAM.

Memory Bus Width - Bus bộ nhớ

Đây là một trong những đơn vị quan trọng nhất để xác định xem card màn hình của bạn có hiệu năng như thế nào. Tốc độ của bộ nhớ nhanh thì rất quan trọng, nhưng mỗi lần di chuyển bộ nhớ nó chuyển được bao nhiêu lương thông tin cũng quan trọng không kém.

Về mặt kỹ thuật, Bus bộ nhớ càng cao thì dung lượng dữ liệu được card truyền tải trong một chu kỳ sẽ càng lớn.Ví dụ, một card sử dụng 128 bits có thể truyền tải dữ liệu nhiều gấp đôi 1 card màn hình sử dụng 64 bits.

Memory Bandwidth – Băng thông bộ nhớ

Là khả năng truyền tải dữ liệu của bộ nhớ. Chỉ số này càng cao thì hiệu năng của card sẽ được nâng cao hơn.

SLI (NVIDIA)/Crossfire (AMD)

Đây là công nghệ cho phép bạn ghép từ 2-3 card màn hình chạy song song với nhau, từ đó tăng cao đáng kể hiệu năng cỗ máy của mình.

Bên cạnh các thông số kể trên, nhiều loại card đồ họa hiện nay còn được trang bị thêm các tính năng Boost Speed để ép xung hay hỗ trợ Virtual Reality giúp người dùng trải nghiệm công nghệ thực ảo. Tuy nhiên chúng chỉ là các chức năng thêm và không phổ biến hiện nay.

Ngoài ra các bạn cũng nên để ý đến kích cỡ của card màn hình. Các card màn hình phổ thông chỉ cần cắm vào 1-2 cổng PCI-e, nhưng có các loại card xôi thịt lại chiếm đến 3 cổng nên sẽ hạn chế các thiết bị khác gắn vào.

Đặc biệt có một số loại card màn hình có 3 fan tản nhiệt rất dài, một số loại case nhỏ sẽ có khả năng gắn không vừa. Mặc dù ngày nay đa phần case đều hỗ trợ card 3 fan nhưng cũng nên cẩn thận một chút. Vì thế hãy để ý đến diện tích main cũng như thùng máy trước khi quyết định nâng cấp card màn hình nhé.