Do đại dịch Covid-19, nhiều người buộc phải làm việc tại nhà. Chúng ta sẽ phải tự nấu bữa trưa, phải giành thời gian giặt giũ,... Tuy nhiên, khi gặp phải các vấn đề như Wi-Fi tải chậm, các công cụ phần mềm mới khó dùng,... sẽ không có bộ phận I.T nào giúp đỡ bạn, và bạn sẽ phải tự giải quyết mọi thứ.
Dưới đây là những lưu ý nhỏ, giúp trải nghiệm làm việc tại nhà cùng các thiết bị công nghệ trở nên dễ dàng và thú vị hơn.
1. Tốc độ mạng internet
Trước tiên, hãy giải quyết vấn đề công nghệ số 1 tại nhà: kết nối internet. So với các kết nối băng thông rộng trong văn phòng, tốc độ internet tại nhà có thể chậm chạp và các kết nối Wi-Fi sẽ chập chờn hơn. Nếu tín hiệu Wi-Fi tại nhà không đáng tin cậy, hãy đầu tư vào một hệ thống Wi-Fi dạng lưới. Việc này sẽ cho phép người dùng kết nối nhiều điểm truy cập không dây với nhau trong cả ngôi nhà với tốc độ mạnh mẽ.
Nhưng nếu tốc độ tiếp tục chậm chạp ngay cả sau khi nâng cấp thiết bị mạng, hãy liên hệ với nhà cung cấp internet để hỏi về các tùy chọn khác. Một số nhà cung cấp có thể cung cấp tốc độ băng thông rộng nhanh hơn với giá cao hơn.
Thực tế cho thấy, nhiều người dùng đang cảm thấy tốc độ tổng thể đang chậm hơn, đó là bởi đang có hàng triệu người cùng làm việc trực tuyến tại nhà và hút băng thông của nhà cung cấp internet, khiến tốc độ trung bình giảm xuống. Cách duy nhất là gọi tới các nhà cung cấp dịch vụ để phàn nàn.
Một cách thông minh khác là sử dụng chia sẻ kết nối trên smartphone, biến kết nối di động của thiết bị thành một mạng Wi-Fi thu nhỏ. Điều này giúp cho kết nối dữ liệu trên điện thoại thông minh nhanh hơn khi băng thông rộng của bạn bị quá tải.
2. Tận dụng tối đa (và tối thiểu hóa) thiết lập công nghệ
Không có bất cứ lời khuyên nào hữu ích 100% cho tất cả các công việc từ xa vì chúng ta đều có các công việc khác nhau. Nhưng một nguyên tắc nhỏ là giữ cho các thiết bị ở mức tối thiểu. Khi càng sở hữu nhiều công nghệ, con người càng phải xử lý nhiều sự cố.
3. Màn hình quá nhỏ
Nhiều người sẽ được công ty phát máy tính xách tay để làm việc tại nhà. Tuy nhiên, màn hình nhỏ hơn sẽ khiến cho tốc độ làm việc bị hạn chế. Người dùng có thể xem xét mua thêm màn hình thứ hai vào bàn làm việc.
4. Gọi video và gọi thoại
Nhiều người dùng cần thực hiện các cuộc gọi video để hoàn thành công việc (ví dụ như dạy học online). Nếu chất lượng âm thanh không được đảm bảo, hãy sử dụng các tai nghe không dây như tai nghe nhét tai. Để có chất lượng video tốt hơn, bạn có thể cân nhắc mua một webcam.
5. Xử lý tiếng ồn
Nếu gia đình bạn có trẻ em, thường xuyên có âm thanh ồn ào hoặc sống trong môi trường đô thị, hãy mua ngay một cặp tai nghe chống ồn hoặc tai nghe nhét tai để giúp tập trung tốt hơn.
6. Đau người
Thông thường, dân văn phòng sẽ gặp phải các vấn đề như đau cổ tay, căng cổ và đau lưng. Chúng ta có thể khắc phục tình trạng đau cổ tay bằng bàn phím tiện dụng hoặc chuột không dây thoải mái hơn. Nếu lưng đau, hãy cố gắng đầu tư vào một chiếc ghế văn phòng được thiết kế tốt hoặc một chiếc bàn đứng.
7. Làm việc theo nhóm
Khi cần phải hợp tác từ xa với một nhóm đồng nghiệp, hãy chọn một bộ công cụ đa năng thay vì các công cụ đơn lẻ. Các ứng dụng cộng tác nhóm như Slack có thể xử lý các cuộc trò chuyện nhóm, nhắn tin riêng tư và tải lên các tệp. Bộ ứng dụng Google bao gồm các công cụ cộng tác để chỉnh sửa tài liệu, chia sẻ lịch và gọi video nhóm cũng rất tiện lợi.
Bước thứ hai khi làm việc theo nhóm là đảm bảo rằng tất cả mọi người đều sử dụng các công cụ giống nhau. Việc thiếu sự đồng thuận về các công cụ có thể gây ra những căng thẳng không đáng có khi làm việc.
8. Hãy dành thời gian để nghỉ ngơi
Nhiều người chưa quen với công nghệ và thường xuyên bị phân tâm bởi các chương trình TV, game và truyện tranh. Tuy nhiên, đừng nên cố gắng làm quá nhiều việc cùng lúc, bạn có quyền được nghỉ ngơi. Ở nhà, bạn có quyền tự do dành thời gian nghỉ trưa để xem một chương trình Netflix thay vì đến nhà hàng.
Để tránh sự xâm nhập của Covid-19, chúng ta phải giảm thiểu thời gian ra ngoài. Hơn hết, bật TV được xem là hành vi có trách nhiệm nhất tại thời điểm này.