Nội dung "bẩn" cho trẻ em trên Internet, từ đâu mà có?

Đó là câu hỏi được rất nhiều người dùng Internet đặt ra, nhưng mặc nhiên chưa ai có được câu trả lời.

Là một quốc gia có dân số trẻ và trình độ phát triển công nghệ - thông tin thuộc hàng nhanh nhất khu vực, không quá khó hiểu khi Việt Nam hiện tại đang có hơn 70% dân số được tiếp cận Internet (khoảng 68,17 triệu người - số liệu thống kê năm 2020) và phần lớn trong số đó có độ tuổi vị thành niên (dưới 16 tuổi), hiện tại đang chiếm 23,4% dân số cả nước (khoảng 23,3 triệu người - số liệu thống kê năm 2020).

Nội dung bẩn cho trẻ em trên Internet, từ đâu mà có? - Ảnh 1.

Việt Nam là một trong những nước được phổ cập Internet với tốc độ nhanh nhất khu vực

Chúng ta có quyền tự hào về những con số kể trên, tự hào về cái cách mà chúng ta được dễ dàng tiếp cận với kho kiến thức khổng lồ của nhân loại chỉ thông qua vài cú click chuột. "Không biết gì thì ‘Google’ đi, tại nó miễn phí", đó là một sự thật chắc cũng không cần phải bàn cãi quá nhiều.

Nhưng Internet, với độ "mở" của nó, cũng là nơi có thể phát tán những nội dung bẩn, những tư duy, tư tưởng lệch lạc và tiêu cực. Đây là một câu chuyện nghe thì có vẻ cũ kỹ, nhưng bằng một cách nào đó, những kẻ chịu trách nhiệm cho những việc làm này, đang làm mới nó mỗi ngày, càng lúc càng độc hại hơn.

Chúng xuất hiện dưới rất nhiều hình thức, bài đăng Facebook, video trên YouTube và gần đây hơn là thông qua những đoạn clip ngắn trên TikTok. Những nội dung kiểu này, hoặc vô tình, hoặc đa phần là cố ý tác động tiêu cực đến tâm lý người xem, số khác cổ xuý cho các hành động vô bổ, đôi khi là nguy hiểm đến tính mạng. Như đã nhắc ở trên, với số lượng người dùng Internet chiếm số đông là trẻ vị thành niên, đây sẽ là những đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ những nội dung độc hại này.

Nội dung bẩn cho trẻ em trên Internet, từ đâu mà có? - Ảnh 2.

Đây là những video dành cho trẻ em?

Là phương thức trực quan nhất, video đang là công cụ hữu hiệu để truyền bá các nội dung xấu trên mạng. Các nền tảng chia sẻ video lớn tại nước ta như YouTube hay TikTok đang là môi trường hoàn hảo để những Thơ Nguyễn, những NTN Vlogs tung hoành. Với số lượng người đăng ký lên đến vài triệu, lượt xem mỗi video lên đến vài trăm nghìn thì không có lý do gì để các cá nhân này ngừng "sáng tạo" những ý tưởng có phần không bình thường của mình.

Họ "sáng tạo" để thu hút thêm người xem, để gia tăng lượng subscribe, đồng nghĩa với gia tăng thu nhập cho chính bản thân. Theo chuyên trang thống kê SocialBlade, kênh YouTube Thơ Nguyễn, nơi thường xuyên đăng tải những video có nội dung nhảm nhí, không phù hợp với đối tượng người xem mà kênh đang hướng tới (ở đây là trẻ em) hiện đang có 8,74 triệu lượt người đăng ký và mức thu nhập hàng tháng của cả kênh là 26 - 414 nghìn USD!

Nội dung bẩn cho trẻ em trên Internet, từ đâu mà có? - Ảnh 3.

Tổng hợp các chỉ số đáng ngưỡng mộ của kênh Thơ Nguyễn

Hay một ngôi sao mới nổi khác, tuy kém hơn về mức độ tương tác với người xem, nhưng về độ "kỳ quặc" của nội dung thì không hề kém cạnh đó chính là Hành Tinh Đồ Chơi. Kênh này hiện đang có 4,9 triệu lượt đăng ký và thu nhập bình quân hàng tháng từ 12-192 nghìn USD.

Nội dung bẩn cho trẻ em trên Internet, từ đâu mà có? - Ảnh 4.

Điểm chung của những kênh YouTube này đó là, mang danh nghĩa "miệng" là nội dung dành cho trẻ em, nhưng nội dung đăng tải lại khai báo sai, ví dụ như Con người hoặc Giải trí để tránh bị nền tảng này truy quét. Sở dĩ, những nội dung dành cho trẻ em sẽ bị YouTube hạn chế đặt quảng cáo và có mức trả phí theo lượt xem rất thấp.

Nhưng đừng vội vàng đổ hết tội lỗi lên những đối tượng này. Nếu là một người trưởng thành với tư duy lành mạnh, bạn sẽ rất dễ nhận ra cái "sai sai" trong nội dung của những video kể trên và nhanh chóng báo cáo nó đến YouTube. Nhưng những đứa trẻ ngây thơ mà bạn vẫn thường đưa điện thoại cho và hồn nhiên để chúng sử dụng bao lâu tuỳ thích lại không hề nhận thức được mối hiểm hoạ này.

Nội dung bẩn cho trẻ em trên Internet, từ đâu mà có? - Ảnh 6.

Hình ảnh cắt ra từ clip bị tẩy chay cách đây 3 năm của kênh Thơ Nguyễn

Thêm vào đó, với ảnh thumbnail bắt mắt, nhiều màu sắc và có phần thân thiện - đặc điểm chung của những kênh YouTube có nội dung đội lốt "dành cho trẻ em" này, sẽ nhanh chóng dẫn dụ được những con mồi của mình vào bẫy. Hậu quả thì sao, là những nhận thức lệch lạc của các em về thế giới xung quanh, nặng nề hơn là các em sẽ trở thành nạn nhân của những thử thách lố lăng được đặt ra trong video. Minh chứng thì cũng đã có rất nhiều rồi, chẳng thể đếm xuể nữa.

Vậy nên, đây là câu chuyện, là trách nhiệm đến từ cả 2 phía, cả những người "sáng tạo" nội dung, lẫn bậc sinh thành, những người đang chịu trách nhiệm trực tiếp đến sự phát triển của con cái của mình. Suy cho cùng, đây cũng là một vấn nạn mang tính xã hội, nên cần sự chung tay của tất cả, không riêng gì một tổ chức hay cá nhân nào.

Ảnh: Internet