Liên quan tới việc học trực tuyến, tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8/2021 diễn ra ngày 6/9, có phóng viên đã đặt câu hỏi với lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) rằng:
"Xin hỏi Bộ GD&ĐT về tình hình dạy và học tại các địa phương thực hiện giãn cách xã hội như thế nào? Phương án ra sao nếu như dịch tiếp tục kéo dài? Một số địa phương cũng quyết định cho học sinh học trực tuyến đến hết học kỳ 1, nhưng có rất nhiều gia đình khó khăn, không có điều kiện để mua các thiết bị thông minh như là máy tính bảng (tablet), điện thoại (smartphone),… Xin cho biết giải pháp để tháo gỡ?".
Trả lời, thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết: Việc dạy và học trong thời gian các địa phương thực hiện giãn cách xã hội, cách ly phải khai thác các phương tiện khác nhau.
Trong đó phải tận dụng học liệu điện tử, dạy và học trên truyền hình, tổ chức lớp học ảo, rồi học từ xa, theo phương châm dù khó khăn đến đâu cũng phấn đấu dạy tốt và học tốt, tận dụng mọi cơ hội, mọi điều kiện.
Những nơi có điều kiện dạy học trực tiếp thì các nhà trường tổ chức để học sinh, sinh viên theo học trực tiếp, nơi nào không có điều kiện thì dạy và học trực tuyến hoặc qua truyền hình.
"Hiện nay, chúng ta thấy, học trên các phương tiện trực tuyến có rất nhiều khó khăn, đặc biệt khi chúng ta tổ chức các lớp học ảo, có tương tác thời gian thực giữa giáo viên, giảng viên với sinh viên, học sinh", ông Sơn nhìn nhận.
"Ưu điểm là học sinh, sinh việc được tương tác trực tiếp với thầy cô theo thời gian thực và qua mạng. Nhưng giải pháp này cũng có nhược điểm rất lớn là tổ chức khó khăn, thiếu thiết bị và đặc biệt là liên quan đến dung lượng đường truyền", ông cũng đánh giá thêm.
Một phụ huynh than thở về việc khó kết nối với lớp học trực tuyến qua ứng dụng Zoom trong ngày 6/9.
Cụ thể về vấn đề đường truyền, thứ trưởng Bộ GD&ĐT ước chừng: Khi truyền lượng video lớn tới 20 triệu học sinh, sinh viên, nếu chỉ tính 10% tham gia học cùng lúc thì có 2 triệu học sinh, sinh viên tương tác với thầy cô bằng video qua mạng. Điều này theo ông là rất khó bảo đảm được đường truyền.
"Vì vậy mà phương án thứ 2 là Bộ đẩy mạnh hướng dẫn các địa phương, các cơ sở giáo dục và đào tạo tận dụng các bài giảng, bài học điện tử, các bài giảng điện tử này có thể tải trên mạng. Bộ đã chuẩn bị một kho học liệu lớn trên Cổng thông tin điện tử kết nối với YouTube, trên Hệ tri thức Việt số hóa", ông Hoàng Minh Sơn thông tin.
Theo đó, với lớp 1, có video hỗ trợ bài học cho môn Tiếng Việt và Tiếng Anh khá đầy đủ. Các bài giảng và video này cũng được phát trên truyền hình. Cụ thể, trên VTV7 có môn Tiếng Việt và Tiếng Anh, được phát hằng ngày vào từ 14h đến 15h30 chiều; trên VTV1 và VTV2 có môn Tiếng Việt cho lớp 1.
Với những học liệu đó, nếu nơi nào không đủ điều kiện thì thầy cô có thể gửi cho học sinh qua email, Zalo,.. để các em học ở nhà và kèm theo đó là tài liệu hướng dẫn.
Nơi nào không có học liệu trên truyền hình thì những bài học này được phát lại nhiều lần trong tuần trên cả 3 kênh nói trên. Các địa phương hoàn toàn có thể tải video về phát trên đài truyền hình địa phương.
Để thực hiện tốt nhiệm vụ giáo dục và đào tạo trong điều kiện hiện nay, thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho rằng, cần có sự chung tay của cả xã hội, sự hỗ trợ của các bộ, ngành và sự vào cuộc của các địa phương trong việc hỗ trợ học sinh, sinh viên từ thiết bị, đường truyền, hướng dẫn phụ huynh, gia đình cùng hỗ trợ học sinh, đặc biệt lá các em lớp nhỏ.
"Dù khó khăn đến mấy, chúng ta cũng phải thi đua dạy tốt, học tốt. Cũng có ý kiến cho rằng tại sao không lùi năm học? Chúng ta biết dịch bệnh còn có thể kéo dài, chúng ta không thể chờ được, phải cố gắng, tận dụng tất cả những gì đang có để tổ chức dạy và học tốt", ông Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh.
Trước đó, trong ngày đầu một số địa phương bắt đầu năm học mới 2021 - 2022 theo hình thức trực tuyến (như Hà Nội), nhiều phụ huynh đã than phiền việc kết nối rất khó khăn. Ngay cả khi đã vào được lớp học, chẳng hạn qua ứng dụng Zoom thì tín hiệu cũng rất chập chờn, phụ huynh và học sinh không thấy rõ hình ảnh và âm thanh từ giáo viên. Ngoài những nguyên nhân chủ quan từ hiệu năng, việc thiết lập sử dụng laptop, tablet, smartphone, tín hiệu đường truyền từ modem tới thiết bị của người học trực tuyến, thì việc hệ thống cáp biển AAE-1 (Asia-Africa-Europe 1) gặp sự cố trên nhánh S1H vào lúc 7h19 ngày 4/9 cũng ảnh hưởng lớn tới việc học trực tuyến thông qua các dịch vụ có máy chủ ở nước ngoài, trong đó có Zoom. Tại Việt Nam, ứng dụng Zoom sử dụng máy chủ ở Singapore, đúng tuyến đường truyền bị ảnh hưởng bởi sự cố đứt cáp lần này. Để khắc phục tạm thời, người dùng hãy thử chuyển sang sử dụng dữ liệu gói của nhà mạng di động, khởi động lại modem và cố gắng để thiết bị học trực tuyến gần modem hơn. Theo đánh giá của đại diện một nhà cung cấp, sự cố trên gây ảnh hưởng khoảng 20% dung lượng kết nối Internet đi quốc tế của các nhà mạng. Sự cố gây ảnh hưởng đến tốc độ truy cập các website quốc tế tại một số thời điểm trong ngày. Riêng các kết nối Internet trong nước vẫn diễn ra bình thường. |