Có lẽ không phải giới thiệu nhiều về dòng chuột DA của Razer. Với những anh em thường xuyên chơi các tựa game FPS, DeathAdder đã là một cái tên quen thuộc và tin dùng, đến từ kiểu dáng bắt mắt, thiết kế ôm tay và độ chính xác đáng kinh ngạc của chiếc gaming mouse này.
Cho đến nay, giới game thủ đã phải chờ tới gần 4 năm để có thể sở hữu phiên bản mới nhất của dòng chuột huyền thoại Razer DeathAdder kể từ khi phiên bản DA Elite được ra mắt vào năm 2016. Cái tên chính thức đã được đưa ra: Razer DeathAdder V2.
Hôm nay chúng ta sẽ cùng nhau đập hộp sản phẩm được mệnh danh là "chuột gaming tốt nhất năm 2020" này.
Razer DeathAdder V2 được đóng hộp đơn giản gọn gàng. Phụ kiện đi kèm là giấy hướng dẫn sử dụng và một vài sticker như truyền thống.
Cảm quan đầu tiên, Razer DeathAdder V2 giữ hoàn toàn thiết kế về form từ những phiên bản trước, đó là kiểu chuột bất đối xứng công thái học chuyên cho người cầm chuột tay phải, với 2 nút chính hơi lõm ở giữa.
Đây là thiết kế được coi là hoàn hảo, "kinh điển" ngay từ phiên bản DeathAdder nguyên thủy ra mắt vào năm 2007. Với thang điểm 10, thiết kế của Razer DeathAdder V2 có thể chấm tới 9,5.
Thiết kế kiểu chuột bất đối xứng công thái học, giữ nguyên như DA phiên bản đầu. Nâng cấp chính ở bản V2 là sự chính xác của cảm biến và độ nhạy của các nút bấm.
Trọng lượng của Razer DeathAdder V2 nhẹ hơn khá nhiều so với phiên bản tiền nhiệm: chỉ 81 gram (DeathAdder Elite là 105 gram). Đây là một con số tương đối ấn tượng và cho thấy rằng Razer rất biết bắt "trend" khi xu hướng của chuột gaming cao cấp hiện tại là những chút chuột siêu nhẹ, thậm chí là chuột "lỗ" để giảm tối đa trọng lượng.
Vì vậy, Razer DeathAdder V2 có thể được xếp vào dòng "siêu nhẹ", giúp cho game thủ tốn ít sức lực nhất khi chơi game, kéo dài thời gian chơi hơn và giảm thiểu tối đa tổn thương cổ tay.
Nhẹ hơn, đây chính là điều game thủ cần, giúp tránh mỏi tay và các chấn thương khi chơi trong thời gian dài.
Hai nút tùy chỉnh DPI được làm tách biệt hẳn khỏi lớp vỏ phía trên, khó bấm nhầm hơn và khi muốn dùng cũng dễ bấm hơn. Nhưng nhiều người cũng cho rằng chúng không đẹp bằng phiên bản cũ, khi mix giữa nhựa bóng và lớp phủ coating mờ trên vỏ chuột.
Dù dễ bấm hơn nhưng các nút tùy chỉnh DPI lại bị nhận xét là không đẹp bằng phiên bản cũ.
Hai miếng cao su chống trượt hai bên hông cũng được thiết kế lại, độ bám tốt. Hai nút side button vẫn được thiết kế y như cũ.
Đáy chuột có thêm một nút chuyển Profile khá tiện lợi, cho phép Razer DeathAdder V2 có thể lưu được 5 thiết lập khác nhau vào bộ nhớ trong. Có nghĩa bạn có thể lưu được 5 cấu hình chuột khác nhau và chuyển đổi giữa các thiết lập ngay lập tức mà không cần cài đặt phần mềm. Bộ Feet chuột màu trắng, và vẫn có một ring feet xung quanh cảm biến hỗ trợ giảm nhiễu jitter.
Dây chuột là một cải tiến tương đối tốt. Đường kính lớn hơn, bọc chống rối chống đứt rất tốt nhưng lại rất nhẹ và ma sát cực thấp khi chuyển động trên bề mặt bàn di, giúp cho sự vướng vúi khi dùng chuột có dây gần như biến mất trên Razer DeatAdder V2. Dùng chuột có dây mà cảm giác tự do như chuột không dây.
Dây của Razer DeathAdder V2 cũng có sự cải tiến.
Ngoài ra, LED của Razer DeathAdder V2 vẫn tiếp tục là hệ thống Chroma 16.8 triệu màu, 2 vùng độc lập và tùy biến thông qua Razer Synapse 3+ mới nhất.
Ngoài một số thay đổi về trọng lượng và thiết kế, điểm đáng giá nhất của Razer DeathAdder V2 chính là những nâng cấp vượt trội về phần cứng bên trong so với các bản tiền nhiệm.
Đầu tiên, sản phẩm này được trang bị nút bấm quang học với độ bền lên tới 70 triệu lần click, có nghĩa chúng bền gấp 2,5 nút bấm Omron truyền thống loại cao cấp nhất, và bền gấp 7 lần nút bấm của đa số loại chuột gaming trên thị trường.
Thực tế bấm các nút rất êm, tốn ít lực khi click. Điều này cực kỳ quan trọng vì nút bấm càng tốt, càng ít tốn lực sẽ giúp chuột ổn định, không bị dịch chuyển không mong muốn khi nhấn. Thêm nữa nút bấm này miễn nhiễm với hiện tượng double click - căn bệnh được coi là "kinh niên" của các loại chuột Razer trước đây.
Đặc biệt hơn nữa, tốc độ phản nồi của loại Switch quang này cực kỳ cao, tốc độ giữa 2 lần click liên tiếp được rút ngắn xuống chỉ còn 0,2s, tốc độ click chuột sẽ tăng lên đáng kể, chiếm ưu thế lớn trong các game MOBA hay RTS và với FPS cũng chính xác hơn với từng pha tapping.
DA V2 tuyên bố miễn nhiễm với hiện tượng Double Click.
Tiếp tới là nâng cấp về cảm biến. Mặc dù sensor 3989 trên phiên bản trước (DeathAdder Elite) là cực tốt, nhưng Razer vẫn tiếp tụng nâng cấp cho DeathAdder V2 mang tên Razer Focus+, thông số kỹ thuật thực sự "khủng khiếp" DPI tối đa 20.000 và đặc biệt đáng giá là tốc độ lướt tối đa 650 IPS, đảm bảo game thủ ở đẳng cấp cao nhất cũng hoàn toàn yên tâm về độ chính xác, và khả năng follow "không trượt phát nào" của Razer DeathAdder V2.
Thực tế khi trải nghiệm. Với cá nhân người viết, tôi cho rằng Razer DeathAdder V2 cho cảm giác dùng khác nhiều so với phiên bản cũ. Riêng tôi thích chuột nhẹ vì vậy Razer DeathAdder V2 cho cảm giác cầm và rê tốt hơn nhiều. Nút bấm cũng cho cảm giác click khác hẳn, rất mượt mà.
Về độ chính xác, không có gì phải phàn nàn về DeathAdder V2, chuột hoạt động hoàn hảo trên tất cả các loại bàn di, màu sắc hay đơn sắc đều không có vấn đề. Feet chuột tốt, độ ma sát thấp và cho cảm giác rê rất vững.
Với mức giá 1,9 triệu đồng - một mức giá khá cao - đây có lẽ là rào cản lớn nhất khiến Razer DeathAdder V2 "không dành cho số đông". Nhưng với thiết kế kinh điển, những nâng cấp đáng giá cả về thiết kế và công nghệ, có thể tự tin cho rằng Razer DeathAdder V2 sẽ nằm trong Top những chú chuột gaming tốt nhất năm 2020.
Cám ơn AnPhatPC đã tài trợ sản phẩm để đập hộp. Anh em có thể tham khảo chú chuột này TẠI ĐÂY.